Nhiều biện pháp ngăn chặn “công ty ma” chiếm đoạt tiền hoàn thuế

PV.

Hiện nay nhiều địa phương có xuất hiện các "công ty ma", chuyên lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua việc nhận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt NSNN thông qua việc nhận tiền hoàn thuế GTGT...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xuất hiện các “công ty ma” tại một số địa phương trong cả nước nhằm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt ngân sách của nhà nước thông qua việc nhận tiền hoàn thuế GTGT, gây thất thu NSNN; tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Để đối phó với tình hình này, cùng với các bộ ngành chức năng, trong chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt ngân sách của nhà nước thông qua việc nhận tiền hoàn thuế GTGT. Trong đó, các công việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý thuế, đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan liên quan đã được Bộ Tài chính đẩy mạnh.

Về sửa đổi, hoàn thiện chính sách

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 14/1/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, theo đó quy định chặt chẽ hơn đối với:

- DN được tự in hoá đơn phải đủ các điều kiện: Có mức vốn điều lệ theo quy định; đã được cấp mã số thuế; có bán hàng hoá, dịch vụ; không bị xử phạt vi phạm về thuế; có thiết bị đảm bảo việc in và lập hoá đơn.

- DN đang sử dụng hóa đơn tự in (hoặc đặt in) bị xử lý vi phạm về hoá đơn, về thuế hoặc DN thuộc diện rủi ro cao về thuế theo qui định tại Luật quản lý thuế thì không được sử dụng hoá đơn tự in mà phải mua hoá đơn của cơ quan thuế có thời hạn.

- Tổ chức không phải là DN, hộ gia đình, cá nhân và DN không được tự in, đặt in hoá đơn phải mua hoá đơn tại cơ quan Thuế.

- Tổ chức nhận in hoá đơn (kinh doanh in hoá đơn): Phải có giấy phép hoạt động ngành in; không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào trong quá trình in hoá đơn; phải quản lý, bảo quản khuôn in, phôi in, thanh lý hợp đồng in theo quy định; phải báo cáo định kỳ việc nhận in với cơ quan thuế quản lý.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 về hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT sửa đổi, quy định việc khấu trừ, hoàn thuế chặt chẽ hơn:

- DN không phải kê khai thuế GTGT ở khâu trung gian (không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào) đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng nông, lâm, hải sản chưa qua chế biến. Việc này để phòng ngừa, ngăn chặn việc thành lập DN kinh doanh mua bán, xuất khẩu hàng nông, lâm, hải sản chưa qua chế biến, sử dụng hoá đơn đầu vào bất hợp pháp để khấu trừ, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

- DN có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết (luỹ kế âm 12 tháng liên tục) hoặc mới thành lập từ dự án đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 1 năm (12 tháng) và có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 150/2013/TT-BTC ngày 29/10/2013 về việc hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế GTGT, qua đó quy định chặt chẽ các nội dung: Nguyên tắc lập và quản lý Quỹ hoàn thuế; dự toán kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế; quản lý kinh phí dành cho Quỹ hoàn thuế; thực hiện hoàn thuế; quy trình thực hiện chi hoàn thuế; trách nhiệm của các cơ quan: Thuế, Kho bạc… trong thực hiện hoàn thuế.

Về quản lý thuế

Trong lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai tích cực hàng loạt các biện pháp:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại tất cả các khâu: Kê khai thuế; In ấn, phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn.

- Giải quyết việc hoàn thuế, quản lý quỹ hoàn thuế theo quy định.

- Rà soát các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN này để có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm, phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

- Triển khai ứng dụng phần mềm “đối chiếu bảng kê hóa đơn” tại 63 Cục Thuế địa phương. Ứng dụng này là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cơ quan Thuế phát hiện DN có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, DN có dấu hiệu mua bán hoá đơn.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT, các DN kinh doanh mua bán hàng nông sản xuất khẩu, kinh doanh hàng hoá qua biên giới đất liền (đặc biệt là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Campuchia) tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tính đến hết năm 2013, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 340 DN có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, xử lý truy thu và truy hoàn: 238,3 tỷ đồng.

Năm 2014, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế trực tiếp thanh tra, kiểm tra tại 11 DN có rủi ro cao về hoàn thuế. Kết quả truy thu và phạt tại 4 DN là: 12,241 tỷ đồng; đề nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an đối với 4 DN có nhiều dấu hiệu nghi vấn về thuế. Thực hiện kiểm tra nội bộ tại 10 Cục Thuế, qua kiểm tra đã chấn chỉnh công tác kê khai thuế, hoàn thuế; công tác kiểm tra hoàn thuế; truy thu số thuế hoàn sai vào NSNN và kiến nghị xử lý đối với đơn vị và cá nhân có sai phạm trong công tác kê khai, hoàn thuế và kiểm tra hoàn thuế.

Công tác phối hợp với cơ quan liên quan

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an tại địa phương theo quy chế số 1527/QCPH-TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát về đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế; thảo luận về các dạng tội phạm, đánh giá về hành vi, thủ đoạn của tội phạm về thuế, các vấn đề bất cập; tăng cường trao đổi thông tin để phát hiện, xử lý hành vi trốn thuế, gian lận thuế và mua bán hoá đơn bất hợp pháp; chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm về mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cho cơ quan Công an để điều tra, phát hiện và khởi tố các ổ nhóm, đối tượng mua bán hóa đơn.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với Tổng cục An ninh để cung cấp danh sách một số đối tượng có vi phạm pháp luật về thuế tại tỉnh Đồng Nai, Tây Nguyên, trên cơ sở đó năm 2013 đã chuyển sang cơ quan công an 67 hồ sơ DN có dấu hiệu vi phạm hình sự đề nghị điều tra; trong đó, cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố 29 DN, bắt giữ 37 đối tượng vi phạm;

Năm 2014, đã chuyển sang cơ quan công an 456 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, dấu hiệu trốn thuế, dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế, trong đó, cơ quan Công an đã xử lý hình sự 17 vụ, kiến nghị thu hồi 13.9 tỷ đồng; bắt giữ, tạm giữ 12 đối tượng có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế để điều tra, xử lý; khởi tố điều tra 18 vụ có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế. Qua đó góp phần răn đe, ngăn chặn đối với dạng tội phạm này.

Chỉ đạo Tổng cục Thuế trao đổi, tiếp nhận thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một số DN có dấu hiệu đáng ngờ từ Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện DN có hành vi gian lận về thuế.