Chống thất thu thuế đối với loại hình taxi công nghệ
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chiều ngày 5/6/2019 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến vấn đề quản lý thuế đối với taxi công nghệ.
Đã áp dụng tối đa quy định pháp luật trong quản lý thuế với taxi công nghệ
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014-2016, năm 2017-2018 cũng không khá hơn là bao nhiêu, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp quản lý được loại hình xe công nghệ này, để không có tình trạng chui số lượng để trốn thuế, bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ.
Nhận định rằng ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa là hoàn toàn chính xác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trong thời đại công nghệ, thương mại điện tử, nếu như các ngành không hoàn thiện văn bản pháp luật, thì rất khó khăn trong việc hoạt động quản lý kinh tế - xã hội nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng.
Theo Bộ trưởng, taxi công nghệ không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ. Do đó, Thủ tướng đã cho phép Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 24 thí điểm quản lý taxi công nghệ, sau đó tổng kết đánh giá để sửa Nghị định 86.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng tối đa các quy định của pháp luật và các luật thuế hiện hành để quản lý thu thuế đối với taxi công nghệ thông qua công tác tuyên truyền, cùng các công tác hỗ trợ như thanh tra, kiểm tra.
Bộ trưởng cho biết, qua thống kê 09 công ty vận tải taxi lớn, trong đó có công ty TNHH Grab, công ty Grab Việt Nam… trong năm 2018 và bốn tháng đầu năm 2019, kê khai số thuế phải nộp là 437 tỷ đồng và các doanh nghiệp này đã nộp 415 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2017, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thuế tại công ty Uber trong giai đoạn ba năm (2014-2016) và đã xử lý, truy thu số thuế vi phạm qua thanh tra, kiểm tra là 66,68 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2018, công ty này cũng đã hoàn thành việc nộp số thuế này.
Chống thất thu thuế trong lĩnh vực vận tải điện tử
Về giải pháp quản lý thuế đối với loại hình xe công nghệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện các pháp luật liên quan để quản lý các ngành, lĩnh vực, các loại hình kinh tế nói chung đóng vai trò quyết định cho công tác quản lý thuế.
Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp vận tải taxi; thực hiện triển khai Nghị định số 119 của Chính phủ về hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ, trong đó có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng điện tử.
Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ, trong đó có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng điện tử sau khi được Chính phủ ban hành mới theo chương trình của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải điện tử...