Chớp thời cơ bắt "đáy" bất động sản: Nhà đầu tư có vớ "món hời" ?

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Rất khó để xác định đâu là “đáy” của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư “sành sỏi” đang chớp cơ hội mua được nhiều sản phẩm BĐS do các khách hàng khác cắt lỗ. Nhưng liệu nhà đầu tư có rủi ro khi đưa ra quyết định thời điểm này?

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc các nhà đầu tư "bắt đáy" thị trường là bước đi khôn ngoan vì sẽ đón đầu giai đoạn vàng của thị trường trong thời gian tới.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc các nhà đầu tư "bắt đáy" thị trường là bước đi khôn ngoan vì sẽ đón đầu giai đoạn vàng của thị trường trong thời gian tới.

Một số chuyên gia BĐS nhìn nhận, khó khăn của thị trường BĐS thường ít khi kéo dài mãi, nó chỉ đạt đến một mức nhất định sẽ dừng lại và lại có chiều hướng tốt lên, nhà đầu tư tinh anh sẽ nhìn thấy cơ hội từ trong khó khăn.

Xuống tiền “bắt đáy”

Trong khi đó, với những nhà đầu tư nhỏ, chưa nhiều kinh nghiệm và người mua thực sẽ chờ đợi sự phục hồi rõ nét hơn mới quay trở lại thị trường. Do vậy, thời điểm này trong khó khăn vẫn có một số nhà đầu tư xuống tiền, “bắt đáy” sản phẩm.

Đại diện sàn giao dịch BĐS Phúc Sinh trên đường Tố Hữu (Hà Nội) cho hay, mới đây, sàn này nhận được nhiều sản phẩm của các khách hàng cá nhân gửi bán do làm ăn thua lỗ phải phải trả nợ ngân hàng. Nhưng cũng đồng thời, ngay lập tức, các nhà đầu tư dùng tiền nhàn rỗi của mình trong thời điểm Covid-19 để mua các sản phẩm này.

Đơn cử như anh Nguyễn Hoàng Trường (Cầu Giấy, Hà Nội), đã không ngần ngại bỏ ra 12 tỷ đồng để mua một căn nhà liền kề trên đường Phạm Văn Đồng, vì trước đó, theo sàn giao dịch Phúc Sinh, căn này có giá 14 tỷ đồng. Nhưng nay khách hàng phải trả nợ ngân hàng nên muốn đẩy nhanh.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hằng (Ngọc Khánh, Ba Đình), cũng nhanh chóng chốt luôn 2 căn biệt thự tại một dự án ở trên đại lộ Thăng Long do nhà đầu tư cắt lỗ. Chị cho biết, trước đó để mua được căn biệt thự ở đây phải chấp nhận trả tiền chênh khá cao cho khách hàng cá nhân, vì chủ đầu tư đã hết hàng. Nay chị nhanh chóng mua được mà chỉ mất chút tiền môi giới, ngay chủ nhà cũ cũng trầy trật mãi mới bán được 2 căn này, nên có khách là họ cũng chấp thuận bán luôn.

Đại diện liên minh các sàn giao dịch BĐS ở phía Bắc chia sẻ, hiện có nhiều khách hàng cá nhân cắt lỗ các sản phẩm BĐS đã đầu tư trước đó, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền “hốt” các sản phẩm này.Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra đối với các khách hàng cá nhân, còn các doanh nghiệp và chủ đầu tư hầu hết là không giảm giá.

Đón đầu giai đoạn vàng

Thực tế trên cũng đã được khẳng định trong một báo cáo về thị trường BĐS mới đây của Bộ Xây dựng, mặc dù giao dịch có giảm sút nhưng giá nhà trong dịch Covid-19 không giảm mà tăng nhẹ.

Khảo sát của kênh Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, lượng tin đăng và mức độ quan tâm ghi nhận biến động giảm của thị trường BĐS trong những ngày cuối tháng 7 và từ đầu tháng 8 đến nay giảm mạnh.

Tại Hà Nội, lượng tin đăng tăng 1% so với tháng trước, nhưng mức độ quan tâm giảm 4%, giảm nhiều nhất ở phân khúc nhà biệt thự, liền kề. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, lượng tin đăng tăng 5%, nhưng mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước. Đà Nẵng - tâm dịch của cả nước, có sự sụt giảm độ quan tâm cao nhất, tới 20%.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cũng cho biết, hiện thị trường chỉ chững lại không có chuyện giảm giá. Về dài hạn, giai đoạn 3-10 năm tới, Việt Nam sẽ chạm tới giai đoạn vàng của thị trường BĐS. Đó là thời điểm mà những nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn và người dân sẽ có tích lũy tốt để có thể đầu tư và cải thiện chất lượng sống. Nhà đầu tư cần nhanh nhạy trước khi thị trường thiết lập mặt bằng giá mới

"Hiện thị trường BĐS đang bước vào giai đoạn bình thường mới và chỉ dành cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, không còn cơ hội lướt sóng", ông Hưng khẳng định.

Mới đây, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam đã có đánh giá về hành trình 25 năm của thị trường BĐS, kể từ năm 1995. Trong hành trình này, BĐS Việt Nam đã có những giai đoạn tăng trưởng nóng, sau đó là thời kỳ suy giảm và đóng băng, hồi phục trở lại một cách rực rỡ.

Điều đặc biệt, thị trường BĐS Việt Nam thăng trầm gắn với sự thăng trầm của kinh tế vĩ mô, từ phát triển cực thịnh giai đoạn 1995-1997, đến trồi sụt của giai đoạn 1998-2008.

Rồi từ 2008-2018, chu kỳ suy thoái và vực dậy của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trải qua một lần nữa trong giai đoạn 10 năm này, kéo theo đó là chu kỳ thoái trào. Tại Việt Nam, phải từ 2014 trở đi thị trường bắt đầu ấm dần và có bước phát triển mạnh mẽ.

“Đặc biệt, từ cuối 2018 - đến nay thị trường lại có nhiều biến động khó lường do dịch Covid-19 và rà soát pháp lý của các cơ quan chức năng. Nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn 2021-2022, nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ”, ông Neil MacGregor nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, chính vì thị trường BĐS chỉ khó khăn trong ngắn hạn, sau thời gian này sẽ mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư cá nhân. Do đó, việc các nhà đầu tư cá nhân hiện nay đang “bắt đáy” các sản phẩm cắt lỗ sẽ đón đầu giai đoạn vàng của thị trường trong vài ba năm tới khi toàn bộ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Và ngay sau khi phục hồi trở lại thị trường BĐS sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.