Chớp thời cơ nhập nguyên liệu rẻ

Theo Baodautu.vn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đang nhìn thấy cơ hội giảm giá thành nhờ đồng nhân dân tệ yếu đi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chớp thời cơ trong ngắn hạn khi đồng nhân dân tệ (CNY) yếu đi, nhập nguyên phụ liệu dệt may về sản xuất hàng xuất khẩu đang là cách Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Huyền của Tổng công ty cổ phần May 10 điều hành vào thời điểm này.

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17-20%/năm, nhưng có tới 60% nguyên phụ liệu sản xuất của May 10 được nhập khẩu từ Trung Quốc. CNY yếu đi, đương nhiên doanh nghiệp này đã nhìn thấy những mối lợi khi một phần chi phí, giá thành sản xuất có cơ hội giảm xuống.

“Nhờ giá trị nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thấp nên sẽ được lợi khi xuất khẩu khi xuất hàng sang EU, sang Mỹ, Nhật Bản. Như vậy, hàng hóa của chúng tôi sẽ cạnh tranh hơn”, bà Huyền nói thêm.

Năm 2015, Tổng công ty đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.260 tỷ đồng, doanh thu 2.450 tỷ đồng, lợi nhuận 55 tỷ đồng, thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng, cổ tức chia ở mức 18%.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu này có thể sẽ thay đổi theo hướng tích cực nếu một lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu từ nay đến hết năm được đàm phán với giá thấp khoảng 10% so với trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Giày Gia Định cho biết, năm 2014, doanh nghiệp này xuất khẩu hơn 3 triệu đôi giày, nhưng 60% nguyên phụ liệu sản xuất đều phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, chỉ một số ít nhập từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Năm 2015, nếu mục tiêu xuất khẩu hơn 3 triệu đôi giày của doanh nghiệp thành hiện thực, thì cơ cấu nhập khẩu nguyên phụ liệu chưa có gì thay đổi, nghĩa là Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chủ lực. Với mức giá mới của CNY, từ nay đến cuối năm, các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này sẽ giúp DN giảm được một phần chi phí.

Có thể nói, May 10 và Giày Gia Định là một số trường hợp điển hình cho việc đánh giá tác động của việc giảm giá CNY khi nhìn vào cơ cấu hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Trong đó, hàng tiêu dùng chỉ chiếm có 10%, còn lại, 30% là máy móc thiết bị, và 60 % là nguyên vật liệu cho sản xuất.

“Với ngành công nghiệp hỗ trợ còn quá yếu như ở Việt Nam, nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì cũng phải nhập khẩu từ nước khác để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Vì vậy, CNY yếu đi, doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi hơn là hại”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp được hỏi đều nhận định rằng, thời cơ để nhập khẩu nguyên liệu với mới giá rẻ hơn chỉ là trong ngắn hạn. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhìn xa hơn sau động thái phá giá CNY, hàng nhập khẩu vào Việt Nam, không chỉ với ngành dệt may và cũng sẽ không dừng lại ở nguyên phụ liệu.

“Có thể, trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy cái lợi trước mắt về chi phí nhập khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với EU hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì mấu chốt vẫn phải tự chủ nguyên phụ liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên. Có nghĩa là việc lệ thuộc nguyên phụ liệu vào thị trường Trung Quốc sẽ làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận các FTA mới”, bà Dung nhấn mạnh.

Đơn cử, đối với ngành dệt may, TPP quy định nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi; FTA Việt Nam – EU xác định xuất xứ từ công đoạn vải trở đi. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam mới chủ động được chỉ khâu, cúc áo, thuốc nhuộm, hóa chất, còn lại phải nhập từ Trung Quốc các nguyên phụ liệu chính như vải, xơ sợi.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, hay da giày trong nước rất ý thức về câu chuyện đầu tư tự sản xuất trong nước để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào.

Nhưng, bài toán đầu tư phát triển nguyên phụ liệu cần thời gian dài. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang thực hiện vài chục dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng là trong giai đoạn 2015-2016. Sản phẩm chưa thể ra thị trường cùng lúc mà phân kỳ theo nhiều giai đoạn.

Bởi vậy, chớp thời cơ để tranh thủ cơ hội giảm chi phí nguyên phụ liệu vẫn là cách tốt nhất vào lúc này đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.