Chủ động chính sách tiền tệ
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, việc xử lý các ngân hàng (NH) yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống… Đây thật sự là những vấn đề người dân quan tâm.
Theo định hướng đề ra, nhiệm vụ của NHNN năm 2017 và các năm tiếp theo là góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện qua sự quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vấn đề giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và triển khai tích cực tái cơ cấu hệ thống NH gắn với xử lý nợ xấu... Cụ thể, trong 10 tháng qua, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm.
Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên; các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm. Các TCTD đã triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung, dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Về việc hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, NHNN đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2017 với định hướng tăng khoảng 18% có điều chỉnh linh hoạt phụ thuộc vào các yếu tố khác của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng 13,66%, cao hơn 1% so với năm 2016. Đặc biệt cơ cấu tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh với các lĩnh vực ưu tiên: dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10 tăng 19%, chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đến cuối tháng 8 tăng 8,14%; cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12% so với năm 2016; với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 18,9%; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,49% và chiếm tỷ trọng 20,89% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo NHNN, việc thực thi các chính sách mới được khẳng định qua việc Việt Nam đang thuộc nhóm ổn định tiền tệ nhất châu Á. Theo đó, tính đến cuối tháng 10-2017 VNĐ đã giảm giá với hầu hết đồng tiền các đối tác thương mại chính (-8% so với USD, -4,04% so với CNY, -3,52% so JPY, -10,18% so EUR…) so với cuối năm 2016, là phù hợp với diễn biến trên thị trường quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Chính sách tỷ giá hối đoái ổn định còn khuyến khích nhà đầu tư trong 10 tháng qua đã đầu tư 4,2 tỷ USD mua cổ phần và cổ phiếu, cao gấp 3 lần năm 2016.
Cũng nhờ tỷ giá ổn định đã góp phần hỗ trợ xuất khẩu tăng mạnh, 10 tháng xuất siêu gần 2,8 tỷ USD. Trong phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tin vui, tính đến nay dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng kỷ lục, đạt 46 tỷ USD. Tính riêng các tháng đầu năm 2017, NHNN đã mua vào được 7 tỷ USD cho Quỹ dự trữ ngoại hối. Trong đó, chỉ tính từ đầu kỳ họp tới nay đã mua được 1 tỷ USD.
Về vấn đề gai góc nhất, được các đại biểu chất vấn nhiều là việc triển khai tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong hệ thống NH, người đứng đầu ngành NH cho biết tính từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, tổng số nợ xấu VAMC đã xử lý đạt 66.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm VAMC sẽ mua thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD theo giá thị trường. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều. Theo đó, từ tháng 8-2017 đến nay, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.
Tại diễn đàn Quốc hội, vị thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành NH tỏ ra băn khoăn khi sau 2 năm được NHNN mua lại với giá 0 đồng, tình hình tài chính của 3 NH vẫn không được cải thiện, dù chủ trương này nhằm ổn định tâm lý của người gửi tiền cũng như hệ thống NH. Trả lời về sở hữu chéo, Thống đốc cho biết tình trạng này đã được giải quyết triệt để, các NH minh bạch và đại chúng hơn, nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý. Đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp NH sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 (năm 2012) xuống còn 2, và sở hữu cổ phần trực tiếp giảm từ 5 xuống 2.
Trong báo cáo công bố cuối tháng 10, Moody's Investors Service đã nâng triển vọng đối với hệ thống NH Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới. Đây là lần thứ 2 tổ chức này nâng hạng hệ thống NH Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây. Cùng lúc, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của NH Thế giới đã xếp chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam thứ hạng 29/190 quốc gia được khảo sát, đạt 75/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm).