Chủ động điều hành giá ngay từ đầu năm

Theo tapchithue.com.vn

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn khi trao đổi với Tạp chí Thuế xung quanh việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, trong năm 2016.


Với nhiều giải pháp điều hành quản lý hiệu quả, lạm phát năm 2015 đã kiềm chế ở mức thấp nhất trong hơn 14 năm qua. Với kết quả này, theo ông đâu là nguyên nhân và Cục Quản lý giá đã đúc rút được những kinh nghiệm gì để phục vụ cho công tác quản lý những năm tiếp theo?

Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn

Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn

Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 12/2015 tăng 0,63% so với tháng 12/2014, là mức thấp nhất từ năm 2001 đến nay. Kết quả trên là do, giá dầu thô thị trường thế giới năm 2015 ở mức thấp dẫn đến giá sản phẩm gốc dầu như phân bón, hóa chất, chất dẻo… cũng giảm.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, trái cây, sắn lát, cao su… gặp khó khăn, cung trong nước dư thừa, dẫn đến giá nông sản trong nước giảm. Cùng với đó, công tác điều hành giá đã có sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ nên đem lại kết quả cao.

Đặc biệt, cơ quan quản lý giá đã công khai minh bạch trong hoạch định và điều hành chính sách giá xăng dầu, điện, dịch vụ công..., qua đó tạo được sự đồng thuận từ công luận. Đây chính là những kinh nghiệm tốt để phục vụ cho công tác quản lý cho năm 2016.

Xin ông cho biết trong thời gian tới, sẽ có những mặt hàng nào tiếp tục được điều chỉnh giá và việc triển khai lộ trình giá thị trường sẽ tác động như thế nào đến chỉ số CPI?

Năm 2016 và các năm tiếp theo, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục sẽ thực hiện theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ và pháp luật liên quan. Trong đó, sẽ cân nhắc thời điểm và phương án điều chỉnh giữa các địa phương để tránh tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc triển khai lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế hiện đang được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành như Y tế, Giáo dục và đào tạo, Công thương tính toán các mức độ tác động, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp trình Chính phủ.

Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế chỉ số CPI dưới 5% theo tinh thần chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, Cục Quản lý giá sẽ phối hợp các với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý chủ động điều hành nhằm bình ổn giá ngay từ những tháng đầu năm 2016, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp giữ bình ổn giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán?

Để giữ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, trong đó yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, TP theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ trực tiếp tác động đến nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sở Tài chính các địa phương phải chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, TP triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đặc biệt, phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá mà không thực hiện việc kê khai niêm yết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với vai trò là đơn vị chủ trì, Cục Quản lý giá sẽ phối hợp với các đơn vị tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ Tài chính các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, nhất là giá dịch vụ y tế, giáo dục, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là dịp trước và sau Tết.

Cục Quản lý giá cũng sẽ triển khai các đoàn kiểm tra, nắm tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá trong dịp Tết Bính Thân 2016 tại một số địa phương.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ có các giải pháp điều hành phù hợp./.

Xin cảm ơn ông!