Rút khỏi TPP, Mỹ thấy sai lầm?
Chiều 23/1/2018, các quốc gia đã kết thúc đàm phán điều khoản của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Tokyo. Được biết, việc ký kết chính thức sẽ diễn ra vào ngày 8/3 tới tại Chile. Tuy nhiên, trong lúc này, Mỹ lại để ngỏ khả năng quay lại TPP.
Mất quá nhiều thời gian
Thỏa thuận ban đầu của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký từ tháng 6/2005. Tuy nhiên, mãi đến tháng 2/2016, hiệp định này mới được ký kết giữa 12 nước, sau 5 năm đàm phán gay go với mục tiêu hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến trình đàm phán TPP mất nhiều thời gian là do các nước không thống nhất được vấn đề về giảm thuế xuất nhập khẩu, bảo trợ hàng hóa nội địa, quyền sở hữu trí tuệ. Đây là điều dễ hiểu khi khoảng cách và chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các thành viên trong nhóm là quá lớn. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, ông đã quyết định rút khỏi hiệp định này.
Đến ngày 11/11/2017, tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam, các quốc gia còn lại đã đổi tên TPP thành Hiệp định CPTPP, sau khi thống nhất được các thỏa thuận chủ yếu. Dầu vậy, vẫn còn 4 điều khoản chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc họp tại Tokyo vừa qua, các nước đã tìm được sự đồng thuận để giải quyết 4 điều khoản này, trong đó, điều khoản 1 và 2, tức điều khoản về doanh nghiệp do nhà nước sở hữu và điều khoản về các biện pháp thương mại cũng như đầu tư không thích hợp đã được tạm hoãn thực thi.
Điều khoản 3 và 4, tức điều khoản về giải quyết tranh chấp và điều khoản về sự loại trừ văn hóa sẽ được giải quyết trong phụ lục. Nguyên do đến từ việc Canada bày tỏ ý định không vội vàng ký kết thỏa thuận CPTPP nếu không đạt được nhượng bộ về bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Việc CPTPP sắp được ký kết chính thức sẽ giúp các quốc gia thành viên đạt được sự tự do hóa thương mại, nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu được giảm, đầu tư lẫn nhau được mở rộng hơn. Hiệp định cũng giúp các nước trong nhóm tăng năng lực đàm phám và tạo thế cân bằng với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, khi mà chính quyền Donald Trump gần đây tuyên bố nâng mức thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào nước này.
Mỹ để ngỏ khả năng quay lại
Trong lúc đó, ngày 25/1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng tái gia nhập TPP. Ông phát biểu rằng vẫn ưa thích các thỏa thuận song phương, tuy nhiên với sự tham gia của nhiều nước giống như trong TPP thì Mỹ vẫn có thể xem xét tham gia "nếu có một thỏa thuận tốt hơn".
Có thể thấy mục tiêu rút khỏi TPP của Mỹ là nhằm theo đuổi việc điều chỉnh lại các hiệp định thương mại song phương với các nước thành viên TPP và nhiều nước đối tác thương mại lớn khác trên thế giới, nhưng nỗ lực này đã không thành công bởi Chính phủ nhiều nước như Nhật Bản đã từ chối đàm phán thương mại song phương với Mỹ.
Các nước trong TPP chiếm đến 40% GDP của thế giới, giúp định hình thương mại ở khu vực châu Á với nhiều hoạt động kinh tế lớn đang diễn ra. Cho nên, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ để lại một khoảng trống lớn cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng thương mại khu vực, điều mà cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay không muốn xảy ra. Cần biết rằng Mỹ là quốc gia đã dày công gây dựng hiệp định này dưới thời ông Obama nhằm gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á.
TPP còn có khả năng mở rộng khi nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến hiệp định này, như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thậm chí một quốc gia không có bờ biển giáp Thái Bình Dương hay biển Đông như nước Anh cũng đang thăm dò khả năng trở thành thành viên TPP sau khi rời EU vào tháng 3 năm sau. Greg Hands - Bộ trưởng Thương mại Anh - gần đây nói với với Financial Times rằng không có sự hạn chế về địa lý đối với việc Anh gia nhập các nhóm thương mại. Dù vậy, Anh sẽ không được phép thực hiện các thỏa thuận thương mại trước khi chính thức rời EU.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ - bà Penny Pritzker cho rằng việc Mỹ rời khỏi TPP là một sai lầm. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ hy vọng 11 nước còn lại để ngỏ khả năng cho Mỹ quay lại. Việc "đóng băng" hay treo một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai CPTPP, trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại.