Chủ động nắm vững thị trường, tận dụng cơ hội và lợi thế
“Muốn tận dụng tốt cơ hội, khắc phục những hạn chế trong môi trường Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp cần chủ đông nâng cao năng lực, nắm vững các yêu cầu thị trường…” là những khuyến cáo được các chuyên gia kinh tế đói với doanh nghiệp Việt Nam.
Những ưu đãi được hưởng từ EVFTA dành cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rất lớn, tuy nhiên song hành cùng với đó là những điều kiện, quy định hết sức chặt chẽ đặt ra đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Nội dung trong các điều khoản của Hiệp định chứa đựng những đòi hỏi rất cao liên quan đến xuất xứ, chứng nhận xuất xứ hay hàng loạt những vấn đề khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch thông tin, môi trường sản xuất.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những chiến lược dài hơi sẽ rất khó tận dụng được cơ hội do Hiệp định mang lại và thậm chí, hàng loạt ngành hàng Việt Nam sẽ “thua trên sân nhà” trước sức ép cạnh tranh của hàng hóa đến từ EU.
Mặt khác, nếu không tổ chức và phát triển tốt công nghiệp hỗ trợ, tạo thành chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước thì hiệu quả khai thác các cơ chế ưu đãi của EVFTA cũng sẽ bị sụt giảm.
Theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện cuối năm 2019, nhóm DN “có nghe nói, nhưng chưa tìm hiểu gì về EVFTA” chiếm tỷ lệ cao nhất; trong khi nhóm “tìm hiểu tương đối kỹ” chỉ chiếm khoảng 1,55%.
Điển hình như, đối với các mặt hàng may mặc, EU là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, với nhu cầu giá trị khoảng 250 tỷ USD/năm, gấp hai lần thị trường Mỹ. Muốn phát triển được thị trường này, các doanhg nghiệp phải xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và dần tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đầu vào mới đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ vải trở đi và có thể hưởng lợi do EVFTA mang lại.
Tuy nhiên, cái khó đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng yêu cầu trong các FTA thế hệ mới như nguyên liệu, công nghệ nhuộm… Để dễ dàng khắc phục những hạn chế các doanh nghiệp có thể hợp tác hoặc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sử dụng nguồn vải của nhau, nhằm bảo đảm các quy tắc xuất xứ và hưởng mức ưu đãi cao nhất...
Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, những cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ từ phía nhà nước cũng cần được hoàn thiện. Đặc biệt là, cần phải rà soát, đánh giá và hoan f thiện cho phù hợp với nội dung của EVFTA để có những biện pháp cụ thể. Cần có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp cơ bản có lợi thế khi tham gia vào Hiệp định này như dệt may, da giày, công nghiệp ô tô, điện tử hay các ngành cơ khí và chế biến, chế tạo.
Các chính sách về đầu tư nước ngoài cũng sẽ tiếp tục được rà soát, đưa ra những giải pháp để lựa chọn và sàng lọc các nguồn vốn nước ngoài có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tạo ra mối liên kết bền chặt giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
EVFTA đi vào thực thi là cơ hội tốt đối với Việt Nam với những triển vọng tích cực. Đằng sau tất cả, đó là niềm tin vào tiến trình hội nhập, tiến trình cải cách của Việt Nam. Nhưng “cuộc chơi” nào cũng có hai mặt, thách thức cho Việt Nam chính là phải tận dụng được cơ hội, nếu không, cơ hội lại biến thành thách thức kìm hãm sự phát triển. Để tận dụng tốt nhất cơ hội EVFTA mang đến, có hai vấn đề Chính phủ cần hỗ trợ DN.
Một là, làm sao kết hợp hài hòa tất cả các tuyến hội nhập EVFTA với chiến lược phát triển mới của Việt Nam.
Hai là, vai trò kết nối qua những nỗ lực của Chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực trong truyền bá thông tin để DN có thể kết nối tốt nhất với các đối tác. Qua đó, không chỉ phát triển thương mại, thu hút đầu tư, kinh doanh mà còn bắt tay với các đối tác tốt để học hỏi, vươn lên.
EVFTA đi vào thực thi được dự báo sẽ tạo ra cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Đây chính là “chìa khóa” giúp mở rộng cánh cửa để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng này.
Tham gia EVFTA, Việt Nam cũng có nhiều cam kết về cắt giảm thuế quan. Theo đó, ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, có tới 48% các dòng thuế nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được cắt giảm và sau bảy năm là hơn 80%.
Với những ưu đãi đó, cùng với năng lực cạnh tranh vốn có của các sản phẩm, hàng hóa EU chắc chắn sẽ tạo áp lực không hề nhỏ cho hàng hóa và DN Việt Nam; một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo, thép, hóa chất, chế biến thực phẩm hay ô tô… sẽ phải chịu sức ép rất lớn.
Mặt khác, những sản phẩm từ EU cũng là những mặt hàng Việt Nam đang có nhu cầu cao. Với chất lượng cũng như hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, đây chắc chắn sẽ là nguồn cung quan trọng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội và của nền kinh tế trong hoạt động sản xuất.
Dù cơ hội lớn nhưng doanh nghiệp cần nắm vững các thông tin thị trường, quy tắc xuất xứ cũng như các qui định của EU để có chiến lược dài hơi, tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.