Doanh nghiệp làm gì tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA?
Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường hàng hóa vào khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng được cơ hội này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực của mình.
Chủ động nâng cao năng lực
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại. Để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế qua theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Hai là, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất.... Cần lưu ý, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Ba là, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp phải làm gì khi Hiệp định EVFTA được ký kết, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp trước hết phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Bởi thực tế cho thấy, nếu không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.
Cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi…
Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho doanh nhưng để tận dụng những cơ hội này kèm theo chi phí tuân thủ rất cao. Các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, lao động, sở hữu trí tuệ hay kết nối với các kênh phân phối. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cần chủ động, nắm bắt tốt thông tin, không chỉ là EVFTA mà còn thông tin về mở cửa thị trường hay các FTA khác.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc đáp ứng đòi hỏi từ thị trường EU là bài toán khó với doanh Việt. Doanh nghiệp cần học hỏi về mặt pháp lý để giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ, bởi có tuân thủ đúng mới có thể tận dụng tối đa cơ hội. Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt Nam cần biết tự bảo vệ mình.