Ngành Hải quan:
Chủ động ngăn chặn hành vi buôn lậu xăng, dầu dịp cuối năm
Dự báo, hoạt động buôn lậu xăng, dầu vào dịp cuối năm sẽ trở nên ngày càng “nóng” trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường sông. Nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng này, cơ quan hải quan đã, đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, siết chặt quản lý mặt hàng này trong dịp cuối năm.
Nhận diện thủ đoạn, triệt phá thành công nhiều vụ
Theo Tổng cục Hải quan, khi giá xăng dầu tăng và có sự chênh lệch với các nước trong khu vực, với các nước có chung đường biên giới, nguồn cung xăng dầu bị hạn chế…, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp không ít khó khăn.
Làm rõ về phương thức, thủ đoạn, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đối tượng buôn lậu xăng, dầu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Hoán cải tàu cá thành tàu chở xăng, dầu; ngụy trang dụng cụ trên tàu khai thác thủy sản; gia cố bồn bể trên các phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy hành vi mua bán, vận chuyển xăng, dầu trái phép; sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao; lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng...
Đáng chú ý, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để bơm xăng, dầu sang các tàu nhỏ. Nhiều tàu vận chuyển trái phép xăng, dầu còn được thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị...
Nhận diện, làm rõ những thủ đoạn trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương và Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường kiểm soát và đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua biên giới, đường biển.
“Lực lượng hải quan đã tích cực trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng, dầu với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường, chính quyền các địa phương biên giới… Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu” - Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh cho biết.
Bên cạnh triển khai các giải pháp trên, lực lượng hải quan cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập cảnh, đặc biệt là phương tiện như ghe, thuyền, xà lan, ô tô… có dấu hiệu gia cố bồn, bể, thùng chứa, cất giấu xăng, dầu.
Mặt khác, cơ quan hải quan cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật…
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, 10 tháng năm 2022, ngành Hải quan phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ được hàng chục vụ vi phạm pháp luật liên quan đến xăng, dầu.
Điển hình như: Mới đây nhất, ngày 5/10, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Đội kiểm soát hải quan số 2 (Cục Hải quan Quảng Ninh) và Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP. Hải Phòng) phát hiện, bắt giữ 2 tàu vận chuyển hơn 200.000 lít dầu DO và FO, trị giá ước tính hơn 3 tỷ đồng tại khu vực biển, cảng biển Hải Phòng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là lợi dụng loại hình tạm nhập, tái xuất để sang mạn trái phép hàng hóa, sau đó đưa vào tiêu thụ nội địa.
Hay vụ việc khác, ngày 20/7, tại khu vực biển Nam Đông Nam, lực lượng chức năng đã phát hiện tạm giữ tàu cá đang vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO. Tiếp đó, ngày 31/7, tại vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 10 hải lý về phía Nam, lực lượng chức năng đã phát hiện tàu cá vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO…
Đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu xăng, dầu
Trước thực trạng buôn lậu xăng, dầu trong thời gian qua có những biến biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, ngày 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1085/CĐ-TTg về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng, dầu.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ: Công Thương, Công an và UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng, dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng, dầu trên tuyến biên giới đường bộ, đường biển và trên biển dịp cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng, dầu.
Cùng với đó, cơ quan hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập cảnh, đặc biệt là phương tiện như ghe, thuyền, xà lan, ô tô… có hoặc có dấu hiệu gia cố bồn, bể, thùng chứa, cất giấu xăng, dầu.