Chuyển đổi số lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc "ghi điểm" với những bước tiến vượt bậc

Trần Huyền

Tại các hội thảo chuyên đề thuộc Hội thảo về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 diễn ra vào chiều ngày 17/11, nhiều đại biểu đánh giá, cơ quan thuế, hải quan, kho bạc đã có những bước tiến vượt bậc trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề 1 Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước.
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề 1 Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước.

"Ghi dấu" với kết quả cụ thể trong chuyển đổi số lĩnh vực kho bạc

Tại hội thảo Chuyên đề 1 - Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý NSNN, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, lĩnh vực Kho bạc đã “ghi điểm” bởi những kết quả đạt được từ những nỗ lực qua từng tháng, từng năm. Những kết quả của công tác cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực Kho bạc được "đong đếm" với những con số hết sức cụ thể.

Theo lộ trình, đề án Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử vào năm 2025. Sau thời gian này, sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, về cơ bản, Kho bạc Nhà nước đã đạt được mục tiêu “các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”.

Theo đó, Kho bạc đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) giúp cho việc quản lý quỹ NSNN được hiệu quả từ khai phân bổ dự toán, quản lý kiểm soát cam kết chi NSNN, kiểm soát chi NSNN, kế toán thu, chi NSNN... và cung cấp thông tin báo cáo hàng ngày về thực hiện ngân sách của 4 cấp ngân sách được kịp thời.

Xây dựng và triển khai Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, ngoài 2 thủ tục hành chính về thu NSNN đang sử dụng các dịch vụ thu của ngân hàng và các cổng thu của cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan thì Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 09 dịch vụ công trực tuyến để phục vụ 09/11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: Lĩnh vực kiểm soát chi NSNN; Lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Đến nay, đã có khoảng 100 ngàn đơn vị sử dụng ngân sách với số người dùng lên tới gần 400 ngàn người, đạt 100% các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước (trừ khối an ninh quốc phòng) và trên 99.5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN. Hàng năm khoảng 20 triệu chứng từ chi NSNN được thực hiện qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành xây dựng và triển khai dứng dụng trên điện thoại di động cho đơn vị giao dịch có thể tra cứu số dư tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đạt trên 90% số đơn vị đã sử dụng trong khoảng 100 ngàn đơn vị.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước đã triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp tại đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hình thành thêm kênh giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước, đây là một bước tiến quan trong trong việc hình thành Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số.

Nhiều bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số thuế, hải quan

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, Hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, ngành Tài chính là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số. Trong đó, đặc biệt phải kể đến lĩnh vực Thuế và Hải quan, hai đơn vị đã chủ động triển khai từ rất sớm, qua đó có nhiều bước tiến vượt bậc, mang đến những thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số ngành Thuế, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. 

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề 2 Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề 2 Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế như: Triển khai hóa đơn điện tử, triển khai các dịch vụ Thuế điện tử, triển khai dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động và Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài, triển khai tích hợp hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Đối với triển khai hóa đơn điện tử, đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 10/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn, trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã.

Về triển khai các dịch vụ thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% doanh nghiệp trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.

Chia sẻ kết quả nổi bật trong chuyển đổi số ngành Hải quan, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, kết quả chuyển đổi số ngành Hải quan thể hiện qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan, trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2012, Cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Đến nay, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc đã đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính. Theo đó, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý, điều hành ngân sách và tài chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.