Chủ động phối hợp điều hành giá xăng dầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Trần Huyền

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước. Từ đó, hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Từ cuối năm 2021 và trong những tháng đầu năm 2022, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân của sự biến động tăng giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong thời gian qua là do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh khi các nước thực hiện mở cửa trở lạiđể phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19. Nhiều quốc gia đã thực hiện nới lỏng kiểm soát, khôi phục các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch, hàng không...

Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt trên toàn cầu. Ngoài ra, tình hình bất ổn chính trị thế giới do căng thẳng giữa Nga và Phương Tây, đặc biệt là tình hình xung đột vũ trang giữa Nga tại Ukraina dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng cao.

Dự báo về diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhiều tổ chức quốc tế đều cho rằng nhu cầu xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung dầu, các vấn đề từ sự cố đường ống như tại Ecuador. Hay việc các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất thiếu dầu so với hạn ngạch đề ra do các bất ổn nội bộ, hay vấn đề chính trị quân sự giữa Nga và Ukraina, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga đều tạo động lực khiến giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh.

Cùng với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam cũng tăng liên tục. Tại lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/3/2022), giá xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng và dầu tăng 2.520-3.950 đồng một lít. Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/3 là 28.980 đồng một lít; RON 95 là 29.820 đồng. Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng một lít.

Nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao. Giảm thuế còn góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc thù bởi giá của nó bị phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, chính trị của các nước, trong khi ít bị ảnh hưởng bởi chi phí. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng đột biến bất thường. Điều đó cho thấy việc dự báo ngắn hạn vô cùng khó, chủ yếu dự báo yếu tố trung hạn và dài hạn.

Quỹ bình ổn giá là công cụ hữu hiệu cho công tác điều hành giá trong nước, giúp bình ổn giá. Đây là một trong những công cụ tốt và quan trọng trong quản lý điều hành. Bên cạnh đó, ông Định cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay vẫn phải đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng tích trữ. Đồng thời, cần tăng cường công tác điều tra giám sát trong thời gian tới để ổn định thị trường, tránh tình trạng tát nước theo mưa, tăng giá bất hợp lý của các mặt hàng tiêu dùng khác.