Đảm bảo đủ nguồn cung, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu
Nhờ công tác điều hành giá linh hoạt, giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới. Để tiếp tục bình ổn thị trường, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung và nghiên cứu các giải pháp đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa, cơ chế điều hành giá và chống buôn lậu đối với mặt hàng này.
Chủ động trong công tác điều hành giá xăng dầu
Trước diễn biến tăng liên tục của giá thế giới từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng tương ứng tại 4 kỳ điều hành giá của Liên bộ Công Thương - Tài chính.
Việc điều hành giá xăng dầu trong nước căn cứ trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới kết hợp với việc sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) xăng dầu để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu các loại hiện tăng từ 1.570-2.562 đồng/lít/kg tùy loại xăng dầu, tương đương tăng từ 9,59%-14,04% so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022.
Trước diễn biến giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Công tác điều hành giá đã được thực hiện theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, song song với các giải pháp Bộ Công Thương triển khai, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài chính đã có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương đề nghị tăng cường công cụ Quỹ tại các kỳ điều hành tới khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao để góp phần kìm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Đồng thời, thực hiện Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, chống thẩm lậu
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới. Trên thị trường thế giới, từ ngày 11/1 đến ngày 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88%, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%. Điều này chứng tỏ công tác điều hành giá linh hoạt, giá tăng thấp hơn các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Liên quan đến tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục cập nhật dự báo thường xuyên giá xăng dầu trong ngắn hạn và dài hạn để chủ động trong công tác điều hành.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ để vừa đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa, cơ chế điều hành giá xăng dầu và chống buôn lậu đối với mặt hàng này.