Chủ động vượt bẫy thu nhập trung bình

TS. NGUYỄN MINH PHONG

(Tài chính) Tất cả các nước đang phát triển tại châu Á có mức thu nhập trung bình đều rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nhưng Việt Nam có thể thoát ra nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đây là nhận định của ông Rajat Nag, Tổng Giám đốc Điều hành ADB tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa” do trường Đại học Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt mãi trong khỏng thời gian dài (trung bình trong 42 năm) không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4.000 đến 6.000 USD/năm.

Cũng tại hội thảo, GS. Kenichi Ohno đến từ Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản) đánh giá bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam. GS Kenichi chỉ ra “5 triệu chứng”, theo đó, triệu chứng đầu tiên do tăng trưởng chậm lại từ sau năm 2006, khi tăng trưởng giảm xuống còn từ 5 đến 6%, và đất nước trải qua một giai đoạn với bất động sản trầm lắng, lạm phát, nợ xấu. Tiếp đó là việc tăng trưởng dựa trên đầu tư với hiệu quả sử dụng vốn thấp. Ngoài ra tăng lương tại Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với mức tăng năng suất lao động, làm chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó là sự mất giá của đồng Việt Nam so với đô-la Mỹ trong giai đoạn trên với tỷ lệ 5,5% mỗi năm là quá nhỏ để bù đắp cho tốc độ mất khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi năm là 22,7%. Và triệu chứng cuối cùng GS. Kenichi cho rằng do sự dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng chậm cải thiện.

Thực tế có thể nhìn nhận do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Năng lực cạnh tranh cả cấp vĩ mô và vi mô chậm được cải thiện. Chất lượng tăng trưởng và nguồn nhân lực, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế và liên kết chưa đáp ứng được yêu cầu, nền kinh tế thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, xã hội có không ít vấn đề bức xúc; phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, tư duy quản lý còn chậm đổi mới. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh, bị lợi ích nhóm trì kéo và bóp méo và cần có thêm động lực mới.

Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2011-2020. Chiến lược của Việt Nam đúng hướng khi đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay, coi trọng mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Xem xét những cứ liệu trên, có hai điểm để khẳng định Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình: Một là, Việt Nam mới gia nhập nước phát triển trung bình từ năm 2008, trong khi theo cách tính “tiêu chuẩn” của WB, thì một nước chỉ bị coi là bẫy thu nhập trung bình khi bị “mắc kẹt” tới khoảng vài thập kỷ ở mức thu nhập trung bình. Hai là, hiện nay, Việt Nam đang chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại để đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi phương thức phát triển từ chủ yếu bề rộng sang chủ yếu theo bề sâu, đảm bảo bình ổn vĩ mô và nhờ đó sẽ phát triển nhanh hơn trong trung hạn, tạo đà vượt thoát bẫy thu nhập trung bình.

Trước đó, tại buổi ra mắt Sách Xanh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/6/2013 tại Hà Nội, ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây do tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan ngắn hạn, Việt Nam có vẻ chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ông Franz chỉ ra tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức trên 5% và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như: giày dép, dệt may, diện tử, đồ gỗ nội thất, nông nghiệp (cà-phê, trà, các loại hạt và các sản phẩm thủy sản)…

Tuy nhiên, ông Franz nhấn mạnh, Việt Nam cần phải hành động ngay và xây dựng một tầm nhìn dài hạn, để có thể loại trừ sự chậm phát triển, gây bất ổn kinh tế tác động tới cả tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội.

Đại sứ EU cho rằng, việc ký kết FTA sẽ giúp cải thiện thương mại hai chiều của cả Việt Nam và EU, tạo ra thêm nhiều việc làm. Việt Nam cần đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa cách thể chế chính sách để tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế.

Thực tế cho thấy, để chủ động ứng phó với rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam ngày càng quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào tạo đột phá toàn diện về thể chế và phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục tiên tiến; chủ động hội nhập quốc tế, tạo lập nhanh hơn những trụ cột kinh tế tri thức, kích thích khu vực tư nhân tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, xóa bỏ tình trạng độc quyền và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; cải cách toàn diện DNNN và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN); quy hoạch lại định hướng công nghiệp và phát triển tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất theo từng chuỗi ngành, sản phẩm chủ lực; ưu tiên phát triển công nghiệp thông tin, công nghiệp phụ trợ vừa phát huy lợi thế của từng vùng, miền và phù hợp với nhu cầu, triển vọng thị trường, vừa có tầm nhìn dài hạn đối với các khu vực trọng điểm kinh tế và tham gia ngày càng vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giảm mạnh và tiến tới dừng hẳn việc xuất thô tài nguyên, khoáng sản; đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và DN trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp.

Cùng với đó cần hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Ngoài ra, cân thu hút mạnh DN đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Nhận diện và chủ động ứng phó hiệu quả với bẫy thu nhập trung bình cũng là quá trình khẳng định trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh của Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và cơ hội trong hội nhập quốc tế.