Chủ tịch EuroCham đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư năng động, hấp dẫn hàng đầu thế giới


Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới, và các nhà đầu tư châu Âu đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và hợp tác công tư, theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham).

 Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phóng viên: Cuộc sống ở Việt Nam đã trở lại bình thường sau 2 năm đại dịch. Còn "cuộc sống" của các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam đã trở lại như trước đại dịch chưa, thưa ông?

Ông Alain Cany: Việt Nam mở cửa trở lại ngành du lịch đã đem đến niềm vui cho tất cả mọi người. Người ở nước ngoài giờ đây có thể dễ dàng đến thăm gia đình, bạn bè và đối tác kinh doanh của họ ở Việt Nam như trước đại dịch.

Khảo sát quý 3 của EuroCham cho thấy niềm tin của doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam giảm so với quý 1 và 2, nhưng đó là do tình hình kinh tế thế giới suy yếu. Niềm tin đó vẫn rất mạnh mẽ. Chỉ số quý 3 thực tế cao hơn quý 4/2019, thời điểm trước đại dịch.

Việt Nam đang mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội rất lớn và các doanh nghiệp châu Âu cảm thấy phấn khích trước triển vọng nơi đây. Đây là một trong những địa điểm đầu tư năng động, hấp dẫn nhất trên thế giới.

Phóng viên: Tiếp xúc với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp toàn cầu mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam muốn thu hút FDI vào chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp châu Âu có quan tâm nhiều đến những lĩnh vực này không?

Ông Alain Cany: Các thành viên EuroCham đang tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này do tầm quan trọng của chúng đối với việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao, với một nền kinh tế mạnh và bền vững.

Vì châu Âu là nhà sản xuất lớn về công nghệ kỹ thuật số chất lượng cao nên các doanh nghiệp châu Âu đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư cho công nghệ kỹ thuật số chất lượng cao và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại lợi ích cho xuất khẩu của châu Âu trong lĩnh vực này, xu hướng đó sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

Một số dự án FDI nổi tiếng của châu Âu đã chứng minh tính bền vững thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ, khoản đầu tư 1 tỷ USD của Lego vào Bình Dương sẽ giúp tập đoàn Đan Mạch xây nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của hãng trên toàn cầu. Dự án sẽ phát triển năng lượng sạch tại chỗ, đáp ứng 100% nhu cầu của Lego, đồng thời tạo ra 4.000 việc làm.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Decathlon cũng đang hợp tác để giúp các nhà cung cấp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng nước và năng lượng hiệu quả và quản lý hóa chất tốt hơn. Decathlon và một số thành viên khác của EuroCham cũng đang khử cacbon cho chuỗi cung ứng của họ và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. 

Phóng viên: Từ đầu năm đến nay Bộ Công thương đã trình Chính phủ 6 dự thảo Quy hoạch điện VIII và hiện chưa biết khi nào quy hoạch sẽ được thông qua. Ông có khuyến nghị gì về phát triển năng lượng tái tạo, điện từ khí hóa lỏng (LNG), hay vấn đề thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) mà các nhà đầu tư nước ngoài mong chờ nhiều năm nay?

Ông Alain Cany: Việt Nam nên ưu tiên đầu tư cho truyền tải điện, đặc biệt là phát triển lưới điện. Tuy nhiên, quy trình đấu thầu cho các dự án hiện vẫn chưa rõ ràng và tìm kiếm sự đồng thuận là một thách thức. Cần có các ưu đãi và khung pháp lý minh bạch để khắc phục tình trạng này và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Việt Nam cũng nên khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo lắp đặt hệ thống lưu trữ nối lưới để giảm áp lực lên lưới điện. Từ đó, ưu tiên năng lượng tái tạo, giảm điện than.

Việt Nam nên phát triển các nguồn năng lượng sạch tại chính các nhà máy. Còn việc sử dụng năng lượng từ bên ngoài nhà máy thì cần có thỏa thuận mua bán điện trực tiếp.

Cùng với việc giảm bớt các quy định của Chính phủ đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch được tạo ra tại chỗ, thỏa thuận mua bán điện trực tiếp sẽ giúp người tiêu thụ tiếp cận năng lượng sạch dễ dàng hơn và giảm tải cho lưới điện của Việt Nam.

Ngoài ra, cần có các biện pháp khuyến khích khách hàng đầu tư cho sử dụng năng lượng hiệu quả.

Phóng viên: Nhiều dự án hạ tầng giao thông không tìm được nhà đầu tư tư nhân để thực hiện dưới hình thức đối tác công tư (PPP). Cần làm gì để các dự án như vậy thu hút được đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời khiến Chính phủ cảm thấy lợi ích của phía Việt Nam được đảm bảo?

Ông Alain Cany: Các nhà tài trợ quốc tế nên được tham gia vào các dự án với sự nhất trí của Chính phủ mà không vướng phải quá trình xin phép, hoặc được Chính phủ chỉ định làm trong các lĩnh vực có tính ưu tiên cao. Nếu điều này được thực hiện, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ xem xét tài trợ cho các dự án trong tương lai. 

Theo Luật Đất đai, các định chế nước ngoài cho vay không được bảo đảm bằng “đất và tài sản gắn liền với đất”. Do đất ở các dự án PPP không được phép sử dụng làm thế chấp nên các dự án loại này không hấp dẫn. Điểm này khiến các dự án PPP rất khó vay vốn.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng quy định rõ PPP phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Điều này trái ngược với hệ thống pháp luật hiện hành, theo đó các dự án loại này phải được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế trong những trường hợp cụ thể được quy định trong luật Việt Nam.

Để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án PPP quy mô lớn, nhất thiết phải sử dụng cả luật pháp quốc tế - loại luật được soạn tốt và trung lập.

Mặc dù Luật PPP quy định rằng "những vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam quy định" có thể được quy định trong hợp đồng PPP miễn là chúng không trái với "các nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt Nam", điều này không làm giảm đi sự quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài và có thể khiến họ không đầu tư vào Việt Nam. 

Phóng viên: 2022 đánh dấu 2 năm EVFTA có hiệu lực. Có điều gì trong quá trình triển khai đã không đáp ứng được kỳ vọng của ông?

Ông Alain Cany: Để tối đa hóa các lợi ích từ EVFTA, tất cả các quốc gia thành viên EU phải phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Lý do là việc phê chuẩn sẽ giúp thiết lập các cam kết về đối xử công bằng và bình đẳng, an ninh đầu tư và khung pháp lý rõ ràng.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện đang bị hạn chế bởi quy tắc xuất xứ khắt khe của EVFTA. Do Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ các nước thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa các lợi ích miễn thuế.

Xuất khẩu dược phẩm vào Việt Nam cũng bị cản trở bởi những khó khăn từ quy định, ví dụ như giấy phép lưu hành. Việc cấp loại giấy phép lưu hành mới từ tháng 6 năm nay là dấu hiệu tích cực, nhưng động thái này không đem lại sự thay đổi lớn trong lĩnh vực dược phẩm.

Ở giai đoạn chuyển tiếp giúp Việt Nam có thêm thời gian thích ứng với các chế độ thuế quan mới, đã xuất hiện các rào cản thương mại mới khiến các nhà đầu tư nước ngoài thất vọng.

Các biện pháp phi thuế quan cũng phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, số lượng lớn các văn bản và thủ tục pháp lý ở Việt Nam làm tăng chi phí thương mại. Các biện pháp phi thuế quan này vi phạm tinh thần của EVFTA và cần được loại bỏ.

Phóng viên: Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong tương lai sẽ làm giảm hoặc vô hiệu hóa các ưu đãi về thuế mà nhiều doanh nghiệp FDI đang hoặc sẽ được hưởng theo luật hiện hành. Ông có đề xuất gì giúp Chính phủ Việt Nam áp dụng loại thuế mới này nhưng vẫn duy trì được một môi trường kinh doanh hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Alain Cany: Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm tăng nguồn thu từ thuế ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thu nhiều hơn sẽ giúp tài trợ cho các sáng kiến tăng trưởng bền vững và các chính sách tích cực nhưng đòi hỏi chi phí cao khác.

Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp phù hợp, thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam.

Để thu hút FDI mà không làm giảm nguồn thu từ thuế, Việt Nam phải điều chỉnh chính sách thuế của mình phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và tạo ra các ưu đãi mới cho FDI. Ví dụ, các ưu đãi đối với đầu tư cho nhân sự, mua sắm thiết bị và nghiên cứu - phát triển sẽ hữu ích với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cần có sự nghiên cứu của một nhóm công tác gồm đại diện các bộ, các cơ quan liên quan, các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và các chuyên gia quốc tế về đầu tư, luật và thuế vì tác động của nó vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn