Chủ tịch Nước làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

pv.

(Tài chính) Sáng ngày 30/9, đúng dịp Kỷ niệm 64 năm thành lập (30/9/2014), Ban Kinh tế Trung ương vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chủ tịch Nước làm việc với Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: FinancePlus.vn


Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm nhiệm; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước; Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Viện Kinh tế Việt Nam; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; các đồng chí Trợ lý Chủ tịch Nước cùng toàn thể Lãnh đạo Ban, lãnh đạo các vụ, đơn vị và chuyên viên nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương.

Tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã báo cáo Chủ tịch Nước một số nét chính về kết quả công tác năm 2014, định hướng nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Kinh tế Trung ương và báo cáo kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2014 và những việc phải làm tiếp theo trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, mô hình tăng trưởng của nước ta những năm gần đây có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Năm 2013, đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế. Lạm phát được kiểm soát đã giảm từ mức hơn 18% năm 2011 xuống 6,8%. Cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm đã tác động tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chủ tịch Nước làm việc với Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh 2
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Nguồn: FinancePlus.vn

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ những hạn chế yếu kém, mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt; tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn và tài nguyên. Năng suất lao động còn thấp hiện đang kém từ 2 - 15 lần so với các nước ASEAN. Hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn.

Tại cuộc làm việc, các chuyên gia kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, mô hình tăng trưởng của nước ta sẽ dựa trên năng suất và hiệu quả hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả Ban Kinh tế Trung ương đạt được sau 2 năm tái lập.  Đề cập đến báo cáo thực hiện Chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chủ tịch nước đề nghị, Báo cáo cần rà soát kỹ những mặt được cũng như những hạn chế. Khi đánh giá phải căn cứ chỉ tiêu số lượng và chất lượng tác động như thế nào đến nền kinh tế...

Chủ tịch Nước làm việc với Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh 3
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tặng hoa cho Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ. Nguồn: FinancePlus.vn

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh việc đánh giá tăng trưởng nền kinh tế cần phải nhìn rộng ra các nước. Chủ tịch Nước cũng lưu ý rà soát lại chủ trương loại bỏ chính sách chưa đúng, đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để chủ trương đưa ra kịp thời đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Nước yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu tìm giải pháp xử lý ngay vấn đề nợ công và nợ xấu, khắc phục những tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng khơi nguồn, giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp tư nhân.

Chủ tịch Nước gợi mở để xây dựng nền kinh tế sản xuất phải có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn lĩnh vực dư địa phát triển của nước ta còn rất lớn.