Chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 25/5/2023, tại phiên họp tổ của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, Chính phủ cần đặc biệt chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các ĐBQH cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cần triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ đặc biệt chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ có giải pháp rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm vấn đề cụ thể. Theo đại biểu, cần chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Liên quan tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian vừa qua, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Nhất trí với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế...
Việc giải ngân chậm trễ vốn đầu tư công là những băn khoăn trong phát biểu của hầu hết các ĐBQH. Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, tỷ lệ không đạt theo kế hoạch, trong khi nền kinh tế còn khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm vốn mồi để dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, nhằm kích thích nền kinh tế.
“Mong muốn của cử tri rất lớn, đó là tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho các dự án lớn, đang là rào cản các địa phương phát triển. Chính phủ đã đưa ra giải pháp, hy vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này”, Đại biểu Trần Chí Cường bày tỏ.
Đáng chú ý, về giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các ĐBQH cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lỡ bờ sông, bờ biển.
Cùng với đó, các ĐBQH kiến nghị phải xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí...