Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Sẽ tăng quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Tại phiên họp ngày 9/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng không được vượt quy định hiện hành.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã cơ bản thống nhất, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung cần xin ý kiến UBTVQH.
Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN
Dự thảo Luật tiếp thu giữ vị trí UBCKNN như hiện hành song cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCK VN) và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (TCTLK VN).
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng chức năng, thẩm quyền cho UBCKNN song không được vượt quá quy định hiện hành. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc giao UBCKNN chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SGDCK VN là TCTLK VN là vấn đề lớn, cần phải cân nhắc kỹ.
Hiện nay, quy định hiện hành chỉ giao chức đại diện chủ sở hữu nhà nước cho bộ, ngành, như Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN… Hơn nữa, không thể áp dụng quy định nguyên tắc tại Luật Doanh nghiệp để giao chức năng này cho UBCKNN.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng nội dung này trái với nhiều quy định hiện hành.
Từ phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vẫn giữ quan điểm như lần thảo luận trước và cho rằng việc giao chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho UBCKNN như đề nghị của cơ quan thẩm tra sẽ trái với nhiều quy định hiện hành như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN… Do đó, giữ nguyên quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của Bộ Tài chính tại Sở GDCK và TCTLK VN như hiện nay là phù hợp.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều nội dung về chức năng, nhiệm vụ của UBCKNN về tăng thêm thẩm quyền của UBCKNN như: xây dựng văn bản pháp luật, kế hoạch dự án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) để trình cấp có thẩm quyền ban hành; ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; cấp và thu hồi các giấy phép liên quan đến hoạt động chứng khoán, trực tiếp quản lý các hoạt động giao dịch trên TTCK theo quy định; thanh tra kiểm tra giám sát đối với toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của TTCK của Sở GDCK, TCTLK và công ty con; giám sát hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong TTCK; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn TTCK trường hợp có biến động lớn; trực tiếp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính về tình hình TTCK và các biện pháp ổn định thị trường; trong quá trình thanh tra, kiểm tra TTCK có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, DN cung cấp nội dung liên quan để xác minh xử lý…
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ tại Luật Chứng khoán
Đối với việc chào bán trái phiếu riêng lẻ (TPRL) của DN không phải là công ty đại chúng, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo luật hoá các quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời điểm này Nghị định 163 chưa có đánh giá tác động nên việc đưa vào Luật ngay là chưa phù hợp.
Hơn nữa, UBKT cũng đang xem xét việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, do đó UBKT đề nghị luật hoá Nghị định 163 vào Luật Doanh nghiệp để đảm bảo sự thống nhất về văn bản pháp luật về chào bán TPRL.
Liên quan đến nội dung về chào bán TPRL, nhiều ý kiến trong UBTVQH tán thành đề xuất của UBKT. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc luật hoá Nghị định 163 chỉ áp dụng với những nội dung phù hợp, đã được chứng minh trong thực tế, chứ không phải đưa nguyên Nghị định vào Luật.
Thay mặt UBTVQH kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để luật hoá Nghị định 163 cần có đánh giá tác động cụ thể. Mặc dù đây là kênh huy động vốn cho DN, song cần quản lý chặt chẽ nếu không sẽ khó kiểm soát. Trước mắt, vì chưa đủ điều kiện, chưa đánh giá được tác động, nên cần cân nhắc việc luật hoá Nghị định 163 tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), nếu đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ hợp lý hơn.
Về UBCKNN, UBTVQH đồng ý tăng thẩm quyền cho UBCKNN. Đồng thời cho rằng, việc bổ sung thêm 2 thẩm quyền chủ sở hữu và cơ chế bổ nhiệm thành viên sẽ không đồng bộ với các luật hiện hành. Do vậy, cần cân nhắc bổ sung hai thẩm quyền này.