Chưa có hợp tác xã nào được kiểm toán

Theo Thanh Thanh/thitruongtaichinhtiente.vn

Đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm và đến nay hầu như chưa có hợp tác xã nào được kiểm toán là những vấn để nổi lên sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển biến tích cực nhưng đóng góp ngày càng... thụt lùi

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX - ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với việc ban hành Luật HTX năm 2012, các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX,

Năm 2021, cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm.

Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013 (riêng năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của HTX giảm 38% và 32% so với năm 2020 do chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19).

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng tăng lên và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực DN, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực DN năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra, đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm (từ trên 4,03% năm 2013 xuống còn gần 3,6% năm 2020).

Phát triển khu vực KTTT không những không đạt, mà ngày càng xa mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề ra - Bộ trưởng lưu ý.

Cùng với đó, số lượng thành viên - tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hợp tác và chất lượng phát triển của HTX, bị sụt giảm đáng kể (giảm gần 2,3 triệu trong giai đoạn 2013 - 2021); tỷ lệ thành viên HTX trên dân số hiện chỉ khoảng 5,7%, thấp hơn nhiều so mức trung bình khoảng 12% của thế giới.

Phần lớn HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của lao động bình quân khu vực HTX mới gần bằng 50% so với khu vực DN.

Bất cập từ quy định của pháp luật...

“Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, thực hiện Luật HTX gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành luật..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đơn cử như sau khi Luật HTX 2012 được ban hành, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất 2013, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật DN, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa,... khiến cho nhiều quy định của Luật HTX năm 2012 trở nên lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển của HTX.

Thực tế cho thấy, cho đến nay, các tổ chức kinh tế hợp tác và các tổ chức đại diện HTX vẫn chưa được quy định trong một Luật chung dẫn đến tình trạng nhiều tổ hợp tác hoạt động kinh tế, đông thành viên, được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như các HTX nhưng không phải đăng ký thành lập, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HTX mà theo Bộ luật Dân sự gây khó khăn trong quản lý nhà nước và thiếu định hướng phát triển.

Đối tượng Liên đoàn HTX tồn tại phổ biến trên thế giới nhưng chưa được quy định trong Luật HTX ở nước ta, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của phong trào HTX trên thế giới. Vị trí, vai trò của Liên minh HTX chưa rõ ràng...

Cùng với đó, nhiều quy định hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của HTX như: Chưa có các quy định “mở” cho nhiều đối tượng có thể tham gia HTX, như các đối tượng dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; chưa có quy định về các thành viên liên kết; quy định về hồ sơ đăng ký phải có Phương án sản xuất kinh doanh, danh sách đầy đủ các thành viên gây phiền hà, mất thêm chi phí, thời gian cho HTX; quy định bó hẹp HTX chỉ được duy nhất một người đại diện theo pháp luật; chưa có quy định tổ chức đại hội thành viên, biểu quyết trong Đại hội thành viên HTX theo các hình thức trực tuyến, điện tử...; giới hạn cứng tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên; quy định về tài sản không chia, tín dụng nội bộ chưa rõ ràng, chưa phù hợp…

Một loạt vấn đề như: Quy định về giải thể HTX, tổ chức quản lý nhà nước về KTTT, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT ở các cấp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực KTTT... vẫn đang là những tồn tại cần tháo gỡ.

Đặc biệt, quy định về kiểm toán HTX, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, vẫn chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên hầu như chưa được triển khai trên thực tế trong khi trên thế giới, quy định về kiểm toán HTX có từ lâu đời, thậm chí xuất hiện trước cả kiểm toán DN, phổ biến trong luật ở các nước.

“Kiểm toán là công cụ rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tăng cường khả năng huy động vốn cho các HTX, giúp cho việc hỗ trợ và quản lý của Nhà nước hiệu quả.

Do vậy, trong đề xuất  hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành HTX, liên hiệp HTX, chúng tôi đề xuất nghiên cứu bổ sung một chương riêng về kiểm toán.

Quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn kiểm toán HTX, liên hiệp HTX thế giới, pháp luật về kiểm toán ở nước ta...”- Bộ trưởng nhấn mạnh.