Tăng hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Phú Yên

Theo Bạch Vân/Báo Phú Yên

Sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước đã và đang giúp các hợp tác xã (HTX) duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng vẫn cần có những điều chỉnh phù hợp thực tế để các chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Trang trại của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Farm ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: Minh Đăng
Trang trại của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Farm ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: Minh Đăng

Tập trung cho chuỗi giá trị nông lâm nghiệp

Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, hiện các HTX được thụ hưởng 14 chính sách hỗ trợ như đào tạo bồi dưỡng, miễn giảm thuế, phí, ưu đãi vay vốn, đầu tư hạ tầng cơ sở, xúc tiến thương mại… Từ đây, nhiều HTX mới ra đời, các dịch vụ phục vụ tại HTX đã hạn chế tình trạng thua lỗ, cán bộ HTX được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhiều sản phẩm nông nghiệp được tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh…

Hiệu quả lớn nhất của các chương trình, chính sách hỗ trợ mang lại cho HTX là xây dựng thành công các chuỗi liên kết nông lâm nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề… Chuỗi giá trị đang tạo đà cho các HTX vươn lên xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Dư - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết: Nhờ được hỗ trợ kinh phí mua máy ép dầu đậu phộng, HTX đã hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trên cây đậu phộng, giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phạm Trung Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên những năm qua, địa phương giải ngân nhiều nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho các HTX. Một thời gian dài, các HTX vẫn chưa thoát khỏi tình trạng hoạt động nhỏ lẻ. Cho đến khi sự hỗ trợ được tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi liên kết giá trị thì một số HTX nông nghiệp đã vươn lên với những mô hình sản xuất thành công, điển hình như mô hình trồng, sản xuất, chế biến dầu đậu phộng của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước.

Mô hình này giúp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng sản phẩm làng nghề đặc trưng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo thương hiệu địa phương qua sản phẩm OCOP. Thời gian tới, địa phương mong muốn được tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện vùng miền núi.

HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên ra đời với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết rừng trồng trên địa bàn tỉnh nên dù mới hoạt động 2 năm, HTX này được vay vốn ưu đãi để mua sắm trang thiết bị từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, được Bộ KH-CN giao thực hiện dự án Trồng cây dược liệu dưới tán rừng…

Hiện HTX quản lý hơn 4.700ha rừng sản xuất, thu hút 12 cá thể và 6 đơn vị tham gia làm thành viên, trong đó có Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên. Theo HTX này, khi mới ra đời, chuỗi giá trị cũng vừa hình thành nên HTX rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách như ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, ưu đãi vốn vay và đặc biệt tạo điều kiện HTX tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Quan tâm tới các HTX phi nông nghiệp

Thế mạnh của các HTX phi nông nghiệp là tạo việc làm cho lao động nông nhàn. Thời gian qua, các HTX thuộc lĩnh vực này chưa phát huy hết thế mạnh này do việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh, các HTX phi nông nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực gồm: GT-VT, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, tín dụng. Các HTX này đang tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, chiếm 40% tổng số lao động thường xuyên tại các HTX trên toàn tỉnh.

Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trong khi số HTX phi nông nghiệp chỉ chiếm 27% nhưng tỉ lệ tạo việc làm chiếm 40%. Đây thực sự là lĩnh vực tiềm năng về giải quyết việc làm, tạo thu nhập cao cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, vì chưa phát triển đồng đều nên năng lực cạnh tranh yếu, tài sản chủ yếu của thành viên khiến việc tiếp cận vốn chính sách rất hạn chế.

“So với các HTX nông nghiệp thì sự hỗ trợ của chính sách chưa tạo được dấu ấn cho các HTX phi nông nghiệp. Nếu được đầu tư công nghệ máy móc, phương tiện, các đơn vị này sẽ mở rộng được quy mô hoạt động, phát triển kinh doanh dịch vụ và khi ấy sẽ cần thêm rất nhiều lao động. Hơn hết, sự phát triển của các HTX phi nông nghiệp sẽ thúc đẩy liên kết ngang, hoàn chỉnh mắt xích dịch vụ trong chuỗi liên kết. Vì vậy, đây chính là nơi các chính sách cần quan tâm đầu tư vực dậy”, ông Lam nhấn mạnh.

Thực tế, HTX nào thụ hưởng được vốn chính sách đều tận dụng cơ hội để phát triển và hỗ trợ thành viên. HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) là một trong ba đơn vị có doanh thu đạt từ 7-8 tỉ đồng/năm. HTX này giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 100 lao động và lao động 60 hộ gia đình tại các cụm sản xuất vệ tinh trong tỉnh.

Ông Lương Tấn Thái - Giám đốc HTX này, cho biết: HTX phát triển lớn mạnh được tới hôm nay là nhờ có sự đồng hành của chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn vay. Từ các nguồn vốn này, HTX đầu tư được máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất gỗ mỹ nghệ, xây dựng nhà xưởng… Quy mô HTX mở rộng ra tới đâu thì lực lượng lao động đông tới đấy và thu nhập cũng tăng lên. 

Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên: Việc tập trung nguồn vốn chính sách để đầu tư có trọng điểm sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực cho kinh tế tập thể. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi các HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, bước đầu có những sản phẩm thương mại gắn với thương hiệu làng nghề và đặt “viên gạch” đầu tiên tham gia vào thị trường. Các HTX rất cần những mô hình điểm để học theo, làm theo.