Chưa dư cung bất động sản nghỉ dưỡng

Theo Hải Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng nếu phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch dễ dẫn đến dư cung. Tuy nhiên, nhìn nhận trên toàn thị trường, BĐS du lịch chưa thể dư cung trong trung hạn. Đây là đánh giá của các chuyên gia BĐS về thị trường căn hộ du lịch nghỉ dưỡng mới đây.

BĐS nghỉ dưỡng tỷ lệ thuận với tăng trưởng du lịch. Du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng và ngược lại. Nguồn: Internet
BĐS nghỉ dưỡng tỷ lệ thuận với tăng trưởng du lịch. Du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng và ngược lại. Nguồn: Internet

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các thị trường lớn như Nha Trang (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Phan Thiết (Bình Thuận). 

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện tại, nguồn cung ở những thị trường này cơ bản đang đáp ứng đủ cầu. Nếu tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh như hiện tại sẽ rất có thể xuất hiện nguy cơ dư cung khách sạn, thậm chí khủng hoảng thừa BĐS nghỉ dưỡng.

Dư địa còn lớn

Đơn cử như tại Đà Nẵng, dự kiến, đến cuối năm 2017, thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Trong vòng 10 năm, nguồn cung khách sạn 3 – 5 sao tại Đà Nẵng tăng 31%, tốc độ tăng trưởng khách du lịch 22%.

Tại Nha Trang (Khánh Hoà), tính đến nay, tỉnh này có hơn 15 dự án liên quan đến căn hộ du lịch, với khoảng hơn 15.000 căn hộ đã, đang triển khai xây dựng, trong đó có hơn 2.000 căn đã đưa vào khai thác kinh doanh.

Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm nữa, BĐS nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa sẽ đưa ra thị trường khoảng 17.000 sản phẩm (trong đó có 1.500 căn biệt thự và 15.500 căn hộ du lịch). 

Ngoài ra, Vân Đồn (Quảng Ninh) từ khi được đưa vào dự thảo Luật Hành chính kinh tế – đặc biệt đã “hút” nhiều dự án đầu tư hàng tỷ USD. 

Theo ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, thực tế cho thấy, mục tiêu đến 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên “ngành kinh tế chiến lược của đất nước là du lịch và phải là du lịch”. BĐS và du lịch luôn có sự phát triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá nhiều chính sách chung của Nhà nước.

Hiện sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng ở vị trí khá cao trong số 136 thị trường du lịch của thế giới; Đứng thứ 54 về tài nguyên thiên nhiên; Đứng thứ 30 về tính cạnh tranh về văn hoá; Thứ 37 về khả năng đáp ứng của con người để phát triển du lịch.

Tiềm năng là có. Tuy nhiên năm 2016, Việt Nam mới đón được 10 triệu khách du lịch quốc tế (chỉ bằng 1/3 Thái Lan, chưa bằng Singapore, Hong Kong).

Do đó, ông Nam cho rằng để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách phát triển du lịch của Nhà nước, còn đòi hỏi sự tăng trưởng của thị trường BĐS nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí… của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoạt, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng BĐS nghỉ dưỡng tỷ lệ thuận với tăng trưởng du lịch. Du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng và ngược lại.

Chưa thể dư cung 

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay, theo thống kê, năm 2017, khách du lịch tăng gấp đôi, lên 14 triệu khách so với 7 triệu khách năm 2015. 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2017 sẽ đạt 6,5% GDP, kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực, trong đó ngành du lịch đóng góp đáng kể cho GDP.

Tính đến cuối năm 2016, số cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng lên tới 420.000 phòng. Theo kế hoạch, đến năm 2020 phải lên tới 580.000 phòng, như vậy mục tiêu đặt ra là tăng 1,5 – 2 lần. Do đó, có thể nói, nếu không tăng tốc đầu tư BĐS nghỉ dưỡng sẽ không đạt được mục tiêu của kế hoạch.

Trước thông tin dư cung, đồng thời trước tiềm năng du lịch kết hợp với BĐS nghỉ dưỡng đang còn nhiều dư địa, ông Lương Hoài Nam nhận định không có chuyện thừa BĐS nghỉ dưỡng hay loạn thị trường mà chúng ta còn cần nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển du lịch…

Vấn đề ở đây là thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển chưa được cân đối giữa các khu vực, nếu có dư cung thì chỉ ở một khu vực. “Cho nên, khi đầu tư cần cân nhắc lựa chọn bảo đảm được chất lượng dự án và tránh nợ xấu”, ông Lương Hoài Nam khẳng định.

Nhận định riêng về thị trường Khánh Hoà, ông Nguyễn Hoạt cũng cho rằng BĐS nghỉ dưỡng tại tỉnh này trong vài năm trở lại đây đã phát triển rất mạnh, thanh khoản tốt. Về nguồn cung, mặc dù số lượng sản phẩm tương đối lớn, nhưng hiện nay các vị trí trung tâm, vị trí có bãi biển đẹp không còn nhiều để phát triển BĐS nghỉ dưỡng.

“Tôi cho rằng du lịch tăng trưởng như vậy thì không có lý gì BĐS nghỉ dưỡng không đi theo. Ngành du lịch đang rất cần nhiều căn hộ nghỉ dưỡng. Do đó, trong trung hạn, không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung”, ông Hoạt nhận định.