Chưa giải quyết hết khó khăn cho doanh nghiệp

TCDN - DATC

(Tài chính) Phần lớn doanh nghiệp được Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia xử lý nợ gắn với tái cơ cấu đều trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý liên quan tới phương thức xử lý nợ chưa thực sự giải quyết hết tồn tại và khó khăn về tài chính khiến đơn vị này chưa thể hỗ trợ triệt để cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.Nguồn:Internet
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet
Chưa được hỗ trợ kịp thời
 
Sau khi mua nợ từ tổ chức tín dụng, DATC phải thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp như chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất và giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ. Nhưng việc áp dụng mức lãi suất cứng như hiện naykhiến đơn vị này không hỗ trợ được triệt để các doanh nghiệp tái cơ cấu đang gặp khó khăn về tài chính, khả năng phục hồi của doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

Điều lệ của DATC quy định: Đối với các khoản nợ mà khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thì mức lãi suất điều chỉnh không được thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.Đối với các khoản nợ của các đối tượng khác, mức lãi suất điều chỉnh không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ cộng (+) 1%/năm.
 
Đối với việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp thì mức xóa tối đa không quá số âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của khách nợ. Các quy định trên đã làm hạn chế, giảm hiệu quả của phương án tái cơ cấu doanh nghiệp vì nhiều doanh nghiệp thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu thì việc xóa nợ bằng số âm vốn chủ sở hữu không giải quyết được triệt để khó khăn của doanh nghiệp.

Dù được xóa nợ nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì số lỗ lũy kế phát sinh trước thời điểm tái cơ cấu và vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước. Mức lãi suất này chỉ thấp hơn lãi suất thương mại từ 2-3% nên các doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì báo cáo tài chính vẫn phản ánh các chỉ tiêu tài chính yếu kém.
 
Một vấn đề khác, trong một số trường hợp, để giải quyết dứt điểm khoản nợ tồn đọng, doanh nghiệp khách nợ mong muốn chủ nợ hỗ trợ giảm một phần nợ. Nếu đạt được thỏa thuận, khách nợ sẽ bố trí nguồn vốn để trả nợ dứt điểm. Kỹ thuật này gọi là chiết khấu để khách nợ trả hết nợ và được các Công ty Quản lý và khai thác tài sản của các các tổ chức tín dụng (AMC) trên thế giới sử dụng phổ biến.

Theo đó, các bên cùng có lợi thông qua việc thể hiện thiện chí của mình. Không ít doanh nghiệp lo ngại việc không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng và khó khăn trong việc vay nợ mới, triển khai các hoạt động đầu tư cần tài trợ mới của bên ngoài.

Do vậy khách nợ có thể cố gắng tự thu xếp nguồn phù hợp khác nhau để giải quyết nợ tồn đọng nếu như có sự hỗ trợ từ bên cho vay. Thế nhưng, Điều lệ tổ chức hoạt động của DATC chưa có điều khoản cho phép đơn vị áp dụng kỹ thuật thu hồi nợ này. Điều này làm hạn chế khả năng xử lý nợ của DATC.
 
Như vậy,những vướng mắc liên quan tớiphương thức xử lý nợ khiến doanh nghiệp khách nợ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời sau khi được tái cơ cấu tài chính, không được xử lý triệt để các tồn tại tài chính. Điều này đã đẩy doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh bị đình trệ và khả năng trả nợ cho DATC hạn chế.
 
Cần hoàn thiện quy chế hoạt động của DATC
 
Để DATC phát huy hơn nữa vai trò trụ cột chính đảm đương nhiệm vụ xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DNNN, đơn vị cần được trao quyền trong việc áp dụng các cách tiếp cận giải quyết. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Nam – Học viện Tài chính, cần hoàn thiện, bổ sung quy chế hoạt động của DATC. Cụ thể, cho phép, tạo điều kiện nâng tầm DATC, đổi mới mô hình, tăng cường quy mô hoạt động, nguồn lực tài chính để đơn vị này tham gia sâu rộng hơn vào chương trình cải cách DNNN và xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.
 
Đồng thời, tăng quyền chủ động cho DATC trong việc lựa chọn và thực hiện các hình thức, biện pháp giải quyết, xử lý nợ xấu một cách thích hợp.

Ví dụ như biện pháp mua lại nợ có chiết khấu hoặc thương lượng gia hạn các hình thức tái cơ cấu khác nên thuộc quyền quyết định của DATC. Xem xét lại các khoản thuế liên quan đến hoạt động của DATC trong việc mua lại và giải quyết nợ xấu. Việc xử lý thuế cần được thực hiện theo hướng khuyến khích các bên cho vay hoặc ngân hàng thương mại chuyển giao nợ xấu cho DATC theo hình thức mua lại mới và tạo điều kiện cho đơn vị giải quyết nợ xấu một cách thuận lợi, hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, cần quy định linh hoạt hơn về mức lãi suất. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp khách nợ trong từng giai đoạn để điều chỉnh lãi suất cho phù hợp và giao cho DATC chủ động quyết định. Việc điều chỉnh lãi suất này có thể thực hiện theo từng quý, trên cơ sở mức lãi suất của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, cần thay đổi quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu sử dụng để mua lại nợ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhằm tăng thêm quyền tự chủ cho đơn vị này trong sản xuất kinh doanh.
 
Tóm lại, với vai trò là đầu mối xử lý nợ DNNN lớn nhất như hiện nay, việc tăng quyền chủ động cho DATC trong lựa chọn và thực hiện các hình thức, biện pháp giải quyết, xử lý nợ xấu một cách thích hợp là thực sự cần thiết. Cùng với đó, việc hoàn thiện nội dung cơ sở pháp lý liên quan tớiphương thức xử lý nợ được xem là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp khách nợ nhanh chóng giải quyết hết tồn tại và khó khăn về tài chính.