Chưa hết năm, xuất khẩu đã hoàn thành 97,8% kế hoạch

PV.

Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, song lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt hơn 183,86 tỷ USD, hoàn thành 97,8% kế hoạch năm.

Tính đến hết ngày 15/11/2017, xuất khẩu đã hoàn thành 97,8% kế hoạch năm. Nguồn: internet
Tính đến hết ngày 15/11/2017, xuất khẩu đã hoàn thành 97,8% kế hoạch năm. Nguồn: internet

Khả năng về đích trước hạn 

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11/2017, xuất khẩu đã hoàn thành 97,8% kế hoạch năm. Đáng chú ý, cả nước xuất siêu khá lớn 2,24 tỷ USD dù nhập siêu đã quay lại trong nửa đầu tháng 11. Như vậy, chắc chắn xuất khẩu sẽ về đích trước hạn và có khả năng năm nay xuất khẩu có khả năng đạt 200 tỷ USD.

Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 183,86 tỷ USD, tăng 21,3% (tương ứng tăng 32,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2017 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 181,62 tỷ USD, tăng 21,4% (tương ứng tăng 32,04 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý là trong nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI đạt gần 6,85 tỷ USD, giảm 17,6% (tương ứng giảm 1,46 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2017 kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI đạt 130,87 tỷ USD, chiếm đến 71,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, đạt mức tăng 23% (tương ứng tăng gần 24,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11 (từ ngày 1/11/2017 đến hết ngày 15/11/2017) kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước đạt gần 9,35 tỷ USD, giảm 17,5% (tương ứng giảm gần 1,98 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10. Trong khi đó, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 11 đạt hơn 9,69 tỷ USD, giảm 1,9% ( tương ứng giảm 184 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 10.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã thâm hụt trở lại trong nửa đầu tháng 11, song mức độ là không lớn, chỉ khoảng 346 triệu USD. Dù vậy, tính từ đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn thặng dư 2,24 tỷ USD.

FTA thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam

Có thể nói, tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 có được là nhờ sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề về TPP, về Hiệp định EVFTA và đàm phán FTA song phương với một số đối tác khác đã và đang được nghiên cứu, triển khai rất chủ động. Theo Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện 10 Hiệp định FTA, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Nhiều thị trường có FTA đã được khai thác tốt, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước đó.

Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. 

Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ các DN xuất khẩu trong nước, thời gian tới cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông qua những chính sách nhằm cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp… nhằm nâng cao năng lực của DN, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.