Chuẩn bị đầy đủ công cụ để phòng, chống gian lận trong sử dụng hoá đơn điện tử
Ngày 20/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hoá đơn điện tử dưới hình thức trực tuyến cùng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày càng nhiều hành vi gian lận
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, cùng với sự phát triển của thương mại, thì tình trạng gian lận nói chung và gian lận, mua bán hoá đơn điện tử nói riêng ngày càng nhiều và tinh vi.
“Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngành Thuế đã luôn tìm cách để đẩy lùi, xoá bỏ gian lận hoá đơn điện tử. Tại nhiều Cục Thuế, Chi cục Thuế đã có những cá nhân có các ý tưởng, biện pháp, kế hoạch để làm tốt công tác này như: Cục Thuế Quảng Ninh, Cục Thuế Thanh Hoá, Cục Thuế Bình Định… Tại Hội nghị hôm nay, Tổng cục Thuế mong muốn được lắng nghe chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất cách làm sau đó sẽ được tập hợp lại thành kinh nghiệm chung để toàn ngành Thuế học hỏi, thực hiện”, ông Mai Xuân Thành chia sẻ.
Theo ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế), thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn. Đáng chú ý, cơ quan thuế địa phương đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn, hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, vẫn còn một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp (DN) để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền của ngân sách nhà nước với các thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp.
Đại diện Cục Thanh tra, kiểm tra thuế đã thông tin về một số hành vi gian lận hoá đơn thực tế phát sinh. Theo đó, các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thương binh...), thành lập chuỗi DN trung gian hoặc mua lại các DN và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Sau đó, các đối tượng này đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bằng hình thức qua mạng; Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua internet Banking. Đồng thời, thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các DN trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép hóa đơn điện tử.
Cùng với đó, để hợp thức cho các hóa đơn đã bán có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng…) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho DN mua hóa đơn.
Các đối tượng thành lập hoặc chuyển địa điểm kinh doanh của DN để bán hóa đơn có các mặt hàng phù hợp với từng địa bàn, từng tỉnh và phù hợp với mặt hàng xuất bán như nguyên liệu, hàng hóa, nhân công, thuê máy… Khi kê khai thuế, các đối tượng kê khai đúng số liệu trên hóa đơn đầu ra đã lập nhưng kê khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào dẫn đến số thuế phải nộp trên tờ khai rất thấp, thậm chí không phát sinh phải nộp.
Cũng có nhiều trường hợp các đối tượng xuất bán hàng hóa thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%, 10% nhưng không xuất hóa đơn. Sau đó, để hợp thức hóa kho hàng, các đối tượng tìm kiếm thông tin DN trên mạng xã hội và lập hóa đơn khống, trong đó ghi hàng hóa thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT để trốn thuế.
Đánh giá tiêu chí quản lý rủi ro trong quản lý, sử dụng
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Trà - Trưởng Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, với số lượng DN ngày càng lớn như hiện nay thì việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ các DN có dấu hiệu rủi ro nói chung cũng như rủi ro vi phạm về hóa đơn nói riêng trở nên khó khăn hơn. Do vậy, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023 về Bộ chỉ số tiêu chí (CSTC) đánh giá, xác định người nộp thuế (NTT) có dấu hiệu rủi ro trong quản lý hóa đơn.
Theo đó, Bộ CSTC đã đưa các chỉ số mang tính trọng yếu vào phân tích đánh giá rủi ro như đánh giá: NNT có tài sản cố định nhỏ, sử dụng nhiều hoá đơn, doanh thu cao bất thường nhưng lại có số thuế nộp thấp; NNT có người đại diện đồng thời là người đại diện của DN không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; DN thay đổi người đại diện đồng thời thay đổi cơ quan thuế quản lý; DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh nhiều năm nhưng sau đó bán cho người khác (thay đổi người đại diện, chủ DN)...
Theo đại diện Ban Quản lý rủi ro, ngoài các CSTC được xác định nêu trên, khi xây dựng ứng dụng phân tích rủi ro cũng đưa ra bộ tiêu chí lọc NNT rủi ro theo các điều kiện về ngành nghề kinh doanh rủi ro, loại hình DN, hình thức sử dụng hoá đơn, thời gian thành lập DN, trạng thái mã số thuế, vốn chủ sở hữu.
Cùng với đó, ngành Thuế cũng đã áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử như: Xây dựng ứng dụng đối chiếu dữ liệu; triển khai trí tuệ nhân tạo trong quản lý hóa đơn điện tử (bằng cách xác định giá mua bán bất thường; xác định chuỗi DN có phát sinh giao dịch mua bán; xác định rủi ro thất thoát ngân sách nhà nước trong chuỗi có DN hoàn thuế).
Kết luận Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành ghi nhận sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát của các Cục Thuế địa phương cũng như các Vụ, Cục thuộc Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp tham mưu, chỉ đạo để chống tình trạng mua bán, gian lận hoá đơn điện tử. Thông qua hàng loạt giải pháp về công nghệ thông tin, ngành Thuế đã từng bước kiểm soát được tình trạng này.
“Trước yêu cầu đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người kinh doanh tuân thủ pháp luật, trước tiên phải xoá bỏ tình trạng mua bán hoá đơn. Phải xây dựng quy chế tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng lỏng lẻo, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian dối”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, báo cáo kịp thời với lãnh đạo UBND địa phương về các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực phối hợp trong nội ngành để thực hiện tốt công tác xác minh, phát triển hơn nữa các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, phải cung cấp đầy đủ công cụ làm việc cho cán bộ thuế để có thể thực hiện tốt công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hoá đơn điện tử.