Chuẩn bị trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử
Tại Diễn đàn CEO "Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử" ngày 4/10, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Nguyễn Phước Hải cho rằng, quan trọng là phải lựa chọn được những ngành phù hợp nhất để đón sóng đầu tư.
95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối FDI
Ngành điện tử thời gian qua thu hút được đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 50,83 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam hiện đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử nhưng có đến 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử chưa thực sự phát triển, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20 - 30%.
Các doanh nghiệp chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp, còn toàn bộ mạch tích hợp đều mua từ nước ngoài. Việt Nam hiện thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp, thực hiện thử nghiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không đủ sức và lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia bởi để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch... cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và đòi hỏi phải có thực lực về công nghệ.
Ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty 4P, một trong số ít nhà cung ứng linh kiện cho một số tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, LG, Canon... chia sẻ, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận và vận hành công nghệ mới, thiếu nhân lực có tay nghề. Việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để tạo khả năng cạnh tranh cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, theo ông, chính sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Cần chiến lược phát triển ngành điện tử có giá trị gia tăng cao
Gần đây, nhiều tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới như Intel, Prgatron, Wiltron… quan tâm và có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tập đoàn Samsung cũng đẩy mạnh hơn các hoạt động tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng nội địa tại Việt Nam để tăng cường liên kết chuỗi giá trị của Samsung tại Việt Nam.
Các tập đoàn lớn về điện tử có sức cạnh tranh rất lớn, nếu được tham gia vào những chuỗi cung ứng này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong tương lai, Tổng Thư ký hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Nguyễn Phước Hải nói. Ông cũng cho rằng, quan trọng là Việt Nam phải lựa chọn được những ngành mà mình phù hợp nhất để đón sóng đầu tư.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp điện tử mang tính hỗ trợ như chất hóa học, nhựa, bảng mạch in, thiết bị cung cấp nguồn điện, nguyên liệu đóng gói, linh kiện kết cấu nhựa, linh kiện kết cấu kim loại, máy khắc, máy rèn, dập…
Trước làn sóng này, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương Phạm Tuấn Anh nhận định, Việt Nam cần tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) không chỉ cho phần cứng mà cả phần mềm, hai lĩnh vực này phải hội tụ. Cùng với đó, cần một kế hoạch, chiến lược dài hơi cho ngành điện tử có giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, phải củng cố, thúc đẩy các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử.
Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài đòi hỏi đầu tư lớn và mất 10 - 20 năm để cất cánh nhưng sẽ góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao và khoa học công nghệ. Đặc biệt, phải cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo về kỹ thuật; tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.