Sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho hàng hóa xuất khẩu thế nào?
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa xuất khẩu của Công ty Honda Việt Nam và của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 9517/BTC-TCT để giải đáp cụ thể về vấn đề này.
Bộ Tài chính cho biết, việc lập hóa đơn GTGT điện tử cho hàng xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 3 Điều 13, Điều 59, Điều 60 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; đồng thời, thực hiện theo khoản 1 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về xử lý chuyển tiếp.
Căn cứ các định trên, trường hợp cơ sở kinh doanh chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, việc sử dụng bảng kê kèm theo hóa đơn thực thiện theo quy định tại điểm a khoản 6, Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về nội dung hóa đơn.
Căn cứ quy định trên, các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.
Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số..., ngày... tháng... năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền, hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê.
Trường hợp người bán nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất GTGT” và “tiền thuế GTGT”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn GTGT. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày... tháng... năm”.
Thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC và các văn bản liên quan. Theo quy định hiện hành, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.
Tại Công văn số 9517/BTC-TCT nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng (Quyết định số 1830/QĐ-BTC, Quyết định số 1832/QĐ-BTC, Quyết định số 1831/QĐ-BTC, Quyết định số 1833/QĐ-BTC, Quyết định số 1838/QĐ-BTC, Quyết định số 1839/QĐ-BTC) và Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/2/2022 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thời gian thực hiện từ tháng 4/2022.
Về kiến nghị của Công ty Honda Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Công ty TNHH Canon Việt Nam, Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu khi rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.