Chuẩn quy định ngừa tham nhũng

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định phòng chống tham nhũng (PCTN) là công tác quan trọng. Cho tới nay, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế khi tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn doanh nghiệp hay kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… công bố thời gian qua đều cho thấy vấn nạn hối lộ, tham nhũng vẫn là một trong những trở ngại lớn trong hoạt động kinh doanh cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và để “thích ứng” hay “được việc”, doanh nghiệp lại phải “bôi trơn” để công việc được giải quyết nhanh chóng. Trong vòng luẩn quẩn cho - nhận đó, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân tạo ra.

Chính vì vậy, dư luận đang quan tâm về dự thảo thông tư quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và nội dung đánh giá công tác PCTN mà Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến. Hệ thống các chỉ tiêu này nếu xây dựng được sẽ giúp bổ sung thông tin cho hệ thống dữ liệu chung về PCTN mà Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, đồng thời góp phần phản ánh kịp thời thực trạng công tác PCTN. Nếu những thông tin, dữ liệu được công bố công khai, minh bạch sẽ tăng cường lòng tin của người dân, doanh nghiệp về những nỗ lực PCTN.

Theo dự thảo, các tiêu chí để cơ quan xây dựng báo cáo thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu làm cơ sở đưa ra nhận định về tình hình tham nhũng, bao gồm: mức độ phổ biến của tham nhũng (thông qua các chỉ số thành phần như: kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng; và trải nghiệm, cảm nhận của người dân, doanh nghiệp); mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra về mặt kinh tế; mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng (thể hiện qua 2 tiêu chí: tỷ lệ người dân coi tham nhũng, tiêu cực là vấn đề đáng quan ngại và bức xúc nhất; sự tin tưởng của người dân về khả năng kiểm soát, đẩy lùi tham nhũng); tham khảo các nguồn thông tin đáng tin cậy khác (các tài liệu, báo cáo của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước liên quan tới công tác PCTN; báo cáo, hồ sơ vụ việc, vụ án tham nhũng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; báo cáo nghiên cứu, đánh giá, kết quả xếp hạng đáng tin cậy do chuyên gia, tổ chức quốc tế thực hiện có đề cập tới tình hình tham nhũng của Việt Nam)…

Tuy nhiên, tại bản góp ý mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thể hiện nội dung các chỉ tiêu tại dự thảo chưa theo một hệ thống chỉ tiêu rõ ràng. Trong quá trình triển khai, việc thiếu hệ thống chỉ tiêu rõ ràng (thể hiện qua các biểu mẫu chi tiết) có thể khiến cho việc báo cáo thông tin từ mỗi cơ quan, địa phương không được thống nhất. Do đó có thể dẫn tới việc tổng hợp thông tin của cơ quan đầu mối sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc đưa ra tiêu chí về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng còn chung chung và chưa thể hiện hết mức độ phổ biến và nghiêm trọng của tham nhũng. Do vậy, các chỉ tiêu này nên bổ sung thêm về hình thức xử phạt/hình phạt, thời gian xử lý…

Theo dự thảo, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm công bố công khai báo cáo về tình hình và công tác PCTN trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định rõ ràng đối với các bộ, ngành. Thậm chí, thời hạn cụ thể cho việc công khai các báo cáo cũng chưa được xác định rõ.

Theo các chuyên gia, các báo cáo nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN của địa phương, các bộ, ngành cũng như của Thanh tra Chính phủ xây dựng là những tài liệu quan trọng trong nỗ lực PCTN tại Việt Nam. Việc công khai, minh bạch các báo cáo này là cần thiết, nhằm tăng cường lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào nỗ lực PCTN của Đảng và Nhà nước. Việc công khai kịp thời các báo cáo này sẽ góp phần tăng cường sự tham gia của người dân, báo chí đối với việc giám sát công tác PCTN.

Quy định việc thăm dò mức độ tin tưởng của người dân đối với khả năng kiểm soát, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng của các cơ quan nhà nước là cần thiết, giúp đánh giá được hiệu quả công tác PCTN. Tuy nhiên, việc này cần được triển khai chi tiết với từng cơ quan có trách nhiệm chính trong việc PCTN tại Việt Nam như công an, tòa án, thanh tra... Bởi việc hiểu rõ cảm nhận của người dân đối với hiệu quả hoạt động từng cơ quan sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác PCTN.