Chứng chỉ Halal và giấy thông hành tới thị trường Malaysia

Theo Tuấn Linh/Báo Lâm Đồng

“Thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng tại Malaysia lại không phải là những vấn đề lớn để khó có thể vượt qua. Chỉ cần các sản phẩm, hàng hóa có chứng chỉ Halal (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi giáo) và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo Đạo luật Thực phẩm Malaysia năm 1983 và Quy định về Thực phẩm năm 1985”, Ông Phạm Quốc Anh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia khẳng định về điều này.

Trong những năm qua, xuất khẩu chè cũng chiếm sản lượng đáng kể, chủ yếu là từ thủ phủ chè Bảo Lộc. Ảnh: Tuấn Linh
Trong những năm qua, xuất khẩu chè cũng chiếm sản lượng đáng kể, chủ yếu là từ thủ phủ chè Bảo Lộc. Ảnh: Tuấn Linh

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Malaysia là một nước công nghiệp, nông nghiệp chỉ chiếm 7,1% trong cơ cấu GDP. Nhập khẩu nông sản của nước này cũng tăng trung bình khoảng 6,5% mỗi năm, từ 30 tỷ RM (Ringgit – tiền Malaysia) năm 2010 lên 55,5 tỷ RM vào năm 2020. Malaysia nhập khẩu phần lớn nông sản từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Australia, New Zealand, Mỹ và Việt Nam”.

Malaysia cũng là nước có khả năng tự cung thấp các sản phẩm như: Thịt cừu, thịt bò, gừng, ớt, bắp cải... Trong đó, ớt các loại chiếm tới 72,4%, cải bắp 63,6%; gừng 81,5%; khoai lang 26,3%; chanh 17%; rau diếp 15,5%; dưa leo 9,7% và chuối 8,9%. Mỗi năm, Malaysia đều phải nhập khẩu thịt cừu (hơn 90%); thịt bò (78%); sữa tươi (hơn 53%). Chè, cà phê, ca cao và gia vị nhập khẩu mỗi năm trên 7 tỷ RM; rau, củ, quả 4,8 tỷ RM; trái cây 3,9 tỷ RM; sữa và các sản phẩm từ sữa là 3,8 tỷ RM.

Trước đây, Malaysia nhập khẩu phần lớn các sản phẩm ớt (các loại) từ Việt Nam, đến năm 2018 thì dừng lại vì các sản phẩm ớt của Việt Nam vi phạm quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Vừa qua, ngành Nnng nghiệp Malaysia đã có công văn chính thức với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho phép nhập khẩu trở lại nhưng các sản phẩm phải đảm các tiêu chí GAP.

Cũng theo tìm hiểu, việc thâm nhập vào thị trường Malaysia cần chứng nhận Halal. Mặc dù chứng nhận Halal không phải là bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm, nhưng Malaysia là quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số nên các sản phẩm có chứng chỉ Halal sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường ở đất nước này hơn.

Theo Tham tán Thương mại Phạm Quốc Anh thì Malaysia là một thị trường lớn, với rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng trở thành đối tác. Bởi, Malaysia là quốc gia có 32 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển, các nhà bán lẻ và tạp hóa đa quốc gia cũng như doanh nhân địa phương đang trên đà phát triển lớn mạnh, thị trường cởi mở, thông thoáng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa lại không quá ngặt nghèo như các thị trường đòi hỏi cao như Nhật, Mỹ, EU. Malaysia cũng là nước gần Việt Nam, thuộc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), rất thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh thương mại.

Không những thế, Malaysia cũng là thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm như bột dinh dưỡng, ngũ cốc chức năng, đồ uống dinh dưỡng, sản phẩm protein, vitamin và chất bổ sung; thực phẩm đông lạnh và đồ ăn sẵn, sữa bò, lúa mì, ngô, khoai tây, củ cải, thịt lợn tươi đông lạnh, trái cây và các loại rau. Đặc biệt, là những năm gần đây, các thực phẩm chay có nguồn gốc từ thực vật, đồ uống không có cồn sử dụng nguyên liệu tại địa phương nơi sản xuất đang được thị trường Malaysia đón nhận rất nhiều.

Nhiều sản phẩm trái cây của Lâm Đồng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: TL
Nhiều sản phẩm trái cây của Lâm Đồng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: TL

Ông Samsudin Araman - Giám đốc Công ty Winner Greeland (Malaysia) cho rằng: “Lợi thế của hàng hóa nhập khẩu tại Việt Nam đó là lợi nhuận tốt, hương vị sản phẩm phù hợp với thị trường Châu Á. Các sản phẩm trái cây cũng được ưa chuộng tại Malaysia, lịch trình vận chuyển lại ngắn và thuận lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những nhược điểm như chứng từ hỗ trợ các thủ tục hải quan chưa đầy đủ; các chứng từ logistic cơ bản như vận đơn, hóa đơn, danh sách đóng gói chi tiết và chứng nhận xuất xứ; giấy chứng bảo vệ sức khỏe; chứng chỉ kiểm dịch phyto; giấy chứng nhận phân tích và quan trọng là giấy chứng nhận Halal còn thiếu. Đóng gói và dán nhãn sản phẩm cần phải có biểu tượng Halal cho tất cả cả các sản phẩm nhập khẩu. Yêu cầu phải có tiếng Anh và tiếng Bahasa Malaysia”.

Quay lại với vấn đề chứng chỉ Halal, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cũng cho rằng: Các doanh nghiệp Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của cả Malaysia lẫn Singapore bởi vùng nguyên liệu rộng lớn với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi. Bởi hiện tại, Singapore cũng đang có tham vọng trở thành trung tâm Halal toàn cầu, từ khâu cung ứng nguyên liệu, sản xuất, phân phối.

Các doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng có thể hợp tác cung ứng nguyên liệu sản xuất thực phẩm Halal cho Singapore. Hoặc ngược lại, chính quyền Lâm Đồng có thể thu hút, thúc đẩy đầy đầu tư của các doanh nghiệp Singapore có sở hữu chứng chỉ Halal đến Lâm Đồng xây dựng nhà máy hay đặt hàng gia công. Có thể kể đến như thịt bò, thịt cừu, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau củ quả các loại mà Lâm Đồng có thế mạnh.