Chứng khoán chuẩn bị đón thêm nhiều "tân binh"
(Tài chính) Với những động thái quyết liệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, hy vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc.
Khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp (DN) niêm yết mới trên thị trường chứng khoán ngày càng sụt giảm. Thậm chí có thời điểm, số DN niêm yết mới còn ít hơn số DN hủy niêm yết. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự thu hẹp quy mô của thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trên cơ sở hoạt động cổ phần hóa của các DNNN, dự báo sẽ có nhiều gương mặt mới gia nhập thị trường.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), trong 6 tháng đầu năm 2014, sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh chỉ đón nhận thêm 3 công ty niêm yết mới là Ngân hàng BIDV (BID), Công ty CP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (SKG) và Công ty CP Cảng Cát Lái (CLL), bằng số DN niêm yết mới trong cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, đây con số khá khiêm tốn so với các năm trước đó. Theo dự báo của HOSE, hoạt động niêm yết mới sẽ khởi sắc hơn do mùa niêm yết thường tập trung vào thời điểm cuối năm, sau khi các DN đã hoàn tất việc tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Đồng thời, một số DN lớn phải thực hiện xong việc soát xét báo cáo tài chính bán niên thì mới thực hiện niêm yết.
Đối với hoạt động đấu giá, từ đầu năm đến nay, HOSE tổ chức 7 đợt đấu giá, với tổng số cổ phần chào bán hơn 52,5 triệu cổ phần, tăng hơn 50% so với quý II/2013. HOSE dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2014, với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động cổ phần hóa DNNN, sẽ có hàng loạt DN cổ phần hóa trong quý III và quý IV/2014.
Tiêu biểu, ngày 25/7, tại HOSE sẽ diễn ra phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty CP Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Trong tháng 8/2014, Sở sẽ nhận một số hồ sơ sẽ thực hiện bán đấu giá và trong tháng 9-2014, dự kiến một số tập đoàn lớn của Việt Nam cũng sẽ thực hiện IPO trên HOSE
Bà Trần Anh Đào, Phó Giám đốc HOSE cũng cho biết thêm, để thúc đẩy các DN niêm yết, định kỳ HOSE đã có những hoạt động tiếp xúc với những DN đại chúng để phổ biến, khuyến khích các DN lên sàn. Trong đó, HOSE đã tổ chức đoàn công tác làm việc với một loạt ngân hàng có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh về việc tham gia niêm yết. Qua đó nhận thấy, hầu hết ngân hàng đều có ý thức về việc niêm yết và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một DN đại chúng quy mô lớn.
Tuy nhiên, một số ngân hàng đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu hoạt động, một số khác cũng đang tiến hành hợp nhất, sáp nhập, nên phải sau khi hoàn tất các hoạt động này các ngân hàng mới thực hiện niêm yết. Theo đó, các ngân hàng đều đã lên lộ trình sẽ tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2015.
Hiện tại, HOSE cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần cho các DN do SCIC nắm vốn, đồng thời thúc đẩy các DN đổi mới quản trị công ty. Bên cạnh đó, để phát triển thị trường chứng khoán, Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó có việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN gắn với quá trình IPO và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo DN Nhà nước thực hiện thành công quá trình IPO. Theo quy định của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, DN đại chúng sau IPO phải thực hiện niêm yết cổ phiếu để giao dịch trong vòng 1 năm, nếu không sẽ bị phạt. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành giám sát các DN đã thực hiện IPO nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định này.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng đề án báo cáo Bộ Tài chính về IPO gắn với niêm yết. Theo đó, các DN khi IPO, trong vòng 30 ngày có giấy đăng ký kinh doanh, phải thực hiện niêm yết cổ phiếu nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Với những động thái quyết liệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, hy vọng thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều “tân binh”.