Chứng khoán thế giới lao dốc vì biến thể Coronavirus, thị trường Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Theo Khánh An/nhadautu.vn

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng việc biến thể mới làm chao đảo chứng khoán toàn cầu chỉ là phản ứng nhất thời, và tại thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index sẽ điều chỉnh ngắn, rồi tiếp tục đi lên vượt 1.500 điểm.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Sự xuất hiện của B.1.1.529 - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vaccine mạnh hơn đã khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong ngày 26/11.

Cụ thể, đêm 26/11 theo giờ Hà Nội, Dow Jones có thời điểm đã ghi nhận mức giảm lên tới 1.000 điểm, tương đương khoảng 2,8% giá trị bị thổi bay. Đây là mức giảm tồi tệ nhất của chỉ số này trong năm 2021 tính tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tới cuối phiên giao dịch, Dow Jones chỉ còn giảm 905 điểm, tương đương 2,53% xuống mức 34.899,34. S&P 500 và Nasdaq cũng chịu chung số phận khi hứng chịu mức giảm lần lượt là 2,27% và 2,23%.

Sắc đỏ cũng bao trùm gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán châu Âu trong bối cảnh giới đầu tư sợ hãi trước biến thể mới, trong khi dịch bệnh đang tái bùng phát trở lại tại khu vực. Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 266,34 điểm (-3,64%), xuống 7.044,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 660,94 điểm (-4,15%), xuống 15.257,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 336,14 điểm (-4,57%), xuống 6.739,73 điểm.

Tương tự, các thị trường châu Á cũng giảm mạnh sau khi tin tức về biến thể mới được WHO công bố. Trong đó chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 747,66 điểm (-2,53%), xuống 28.751,62 điểm, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 659,64 điểm (-2,67%), xuống 24.080,52 điểm.

Chia sẻ với Nhadautu.vn về diễn biến trên, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đánh giá việc biến thể mới làm chao đảo chứng khoán toàn cầu chỉ là phản ứng nhất thời.

Ông Điệp cho rằng để xác định việc biến thể mới tác động đến thị trường chứng khoán có lớn đến mức phải hoảng sợ hay không thì vẫn cần phải quan sát thêm. Bên cạnh đó công tác phòng chống dịch cũng như tiêm chủng vaccine trên toàn cầu đã khác biệt rất nhiều so với năm 2020.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho biết những tác động của thông tin về biến thể mới cộng với phản ứng ngắn hạn của chứng khoán Mỹ và toàn cầu sẽ tác động khá ít đến thị trường chứng khoán Việt Nam bởi 3 lý do.

Một là, thông thường tác động gây ra đối với chứng khoán trong nước là vấn đề nhà đầu tư sử dụng margin ở mức cao. Điều này dẫn đến việc khi có các biến động lớn xảy ra thì tài khoản của họ sẽ rơi vào trạng thái nguy hiểm, bị call margin và dẫn đến hiện tượng bán tháo trên diện rộng. Nhưng hiện nay tại thị trường Việt Nam đã có thay đổi, một tháng trở lại đây lượng tiền tham gia vào thị trường không phải đến từ nguồn lực margin mà hoàn toàn đến từ lượng “tiền tươi”. Những nguồn tiền này đã không thể hiện sự yếu đi trong một thời gian dài.

Hai là, khi thị trường chạm ngưỡng tâm lý 1.500 điểm thì việc thị trường chung bị điều chỉnh cũng là điều rất bình thường. Việc điều chỉnh này tạo ra một nền tảng tốt hơn để thị trường có thể đi lên.

Ba là, ngoài yếu tố điểm số thì thị giá cổ phiếu của rất nhiều nhóm ngành như ngân hàng, thép hay chứng khoán hiện nay vẫn đang ở vùng giá thấp và nếu so với dự báo kết quả kinh doanh của năm 2021 thì mức giá này chưa hề cao. Điều này cho thấy giá cổ phiếu chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

“Với những phân tích trên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có những biến động ngắn và điều chỉnh nhẹ. Về mặt điểm số, chỉ số có thể điều chỉnh về vùng 1.450-1.480 điểm rồi đi lên vượt 1.500 điểm”, ông Nguyễn Hồng Điệp dự báo.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị trong những đợt điều chỉnh như vậy, các nhà đầu tư chưa nắm trạng thái cổ phiếu có thể xem xét chọn lựa các cổ phiếu mới. Còn với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn thì nên xem xét thận trọng, giữ mức cân bằng để tránh rủi ro.