Chứng khoán thế giới tiếp tục “rơi tự do”


Tất cả các chỉ số chứng khoán tại cả châu Á, Mỹ và châu Âu liên tiếp sụt giảm ở mức nghiêm trọng trong nhiều phiên liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 6/10 (đầu giờ sáng 7/10 giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Chứng khoán châu Á mở cửa phiên 7/10 cũng thêm một phiên đỏ rực. Chỉ số công nghiệp Dow Jones xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm

Hàng loạt các biến cố, trong đó có quyết định bơm 68 tỷ USD cứu ngân hàng cho vay bất động sản lớn thứ 2 của Đức là Hypo Real Estate Holding AG, xảy ra vào cuối tuần trước tại châu Âu dường như đã cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính đã không thể khống chế tại Mỹ.
Sự sụt giảm kinh hoàng tại châu Á trong phiên đầu tuần và sau đó là tại châu Âu (vào chiều 6/10 giờ Việt Nam) với mức điểm hầu hết trên 5% và việc giá dầu đã tụt giảm xuống dưới 90 USD/thùng đã ngay lập tức tác động lên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên đầu tuần (đêm 6/10 giờ Việt Nam).
Đa số các mã chứng khoán Mỹ rớt giá thê thảm kéo chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong 4 năm qua xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm. Giá cổ phiếu ngân hàng, dầu khí… tụt giảm nghiêm trọng do lo ngại tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch 6/10 (đầu giờ sáng 7/10 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 369,88 điểm xuống chỉ còn 9.955,50. Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là Alcoa Inc., Boeing Co. và Walt Disney Co. Tất cả đều giảm trên 7,7%.
Trong phiên giao dịch, Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và Bank of America Corp. có lúc giảm hơn 6,3% sau khi chính phủ Đức quyết định bơm 68 tỷ USD vào ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản lớn thứ 2 tại nước này và Ngân hàng BNP Paribas SA mua Ngân hàng Fortis của Bỉ.
Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index giảm 42,34 điểm (tương đương giảm 3,85%) xuống 1.056,89, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003.
Chỉ số Chicago Board Options Exchange Volatility (chỉ số VIX), được dùng để đo chi phí sử dụng các quyền chọn như là một công cụ bảo hiểm lại sự sụt giảm của S&P 500, đã tăng 16% xuống 52,21 điểm, mức cao nhất trong lịch sử 18 năm tồn tại.
Trước đó, chỉ số châu Á - Thái Bình Dương đối với các thị trường đang nổi của Morgan Stanley Capital International (MSCI) Emerging Markets Index đã có phiên giảm mạnh nhất trong 21 năm hoạt động của mình. Trong khi đó, giao dịch chứng khoán tại Nga và Brazil phải tạm dừng do giá chứng khoán tụt giảm quá mạnh. Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 Index của châu Âu giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.
Châu Á mở cửa Thứ 3: Tiếp tục sụt giảm
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 7/10, tất cả các chỉ số chứng khoán đang tụt giảm ở mức trên 4% - một mức tụt giảm rất ít xảy ra trước đó nhưng các nhà đầu tư châu Á lại đang liên tục chứng kiến trong vài ngày qua.
Cụ thể, vào lúc 6h50 sáng 7/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 465,05 điểm xuống 10.473,09 điểm.
Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật cũng đồng loạt giảm rất mạnh, tương ứng 4,97%; 5,61% và 4,67%.
Theo một số chuyên gia, tình hình đã trở nên rất căng thẳng. Cuộc khủng hoảng đang ngày càng lan rộng và hiện đang mạnh lên tại châu Âu. Các nước châu Á cũng đang ráo riết tìm kiếm biện pháp để ngăn chặn cơn bão này.
“Có thể đây sẽ là một tuần thật khó khăn đối với các nhà đầu tư trên thế giới vì họ nhận thấy cuộc khủng hoảng tín dụng còn lâu mới chấm dứt”, Frederic Dickson, chiến lược gia trưởng của D.A. Davidson & Co. tại Lake Oswego, Oregon, người đang quản lý 25 tỷ USD nói.
“Hành động của Mỹ là một bước đi hoàn toàn cần thiết đầu tiên, và một sự can thiệp toàn cầu nên được tính tới”, Frederic Dickson nói.
Chỉ số S&P 500 đã tụt giảm 9,4% trong tuần trước, mức tụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng bố hồi tháng 9/2001, do các nhà đầu tư lo lắng Mỹ đang hướng tới một đợt suy thoái làm lu mờ đi quyết định thông qua gói giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỷ USD.
Theo vnn.vn