Chứng khoán Việt và 90 ngày hoãn thuế: Cơ hội phục hồi hay rủi ro tiềm ẩn?

Mai Thư

Diễn biến "lật ngược" của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian ngắn không chỉ cho thấy mức độ nhạy cảm mà còn phản ánh tâm lý dễ dao động của nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh rủi ro còn tiềm ẩn, câu hỏi đặt ra là: Liệu thị trường đang bước vào một giai đoạn phục hồi thực chất, hay chỉ là khoảng lặng tạm thời trước sóng gió tiếp theo?

TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ định giá hiện tại – với P/E dưới 12 lần – đang ở vùng thấp nhất trong vòng 10 năm, tương đương các giai đoạn khủng hoảng trước.
TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ định giá hiện tại – với P/E dưới 12 lần – đang ở vùng thấp nhất trong vòng 10 năm, tương đương các giai đoạn khủng hoảng trước.

Thị trường nhạy cảm trước các thông tin vĩ mô toàn cầu

Trong những ngày đầu tháng 4/2025, TTCK Việt Nam đã trải qua một trong những cú sốc lớn nhất kể từ đầu năm, khi chính quyền Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Thông tin này nhanh chóng gây hoang mang và kích hoạt làn sóng bán tháo mạnh trên diện rộng, đẩy VN-Index từ mốc 1.317,83 điểm giảm sâu xuống 1.073,6 điểm – mức thấp nhất trong vòng 15 tháng. Chỉ trong năm phiên từ 03 - 09/4, hơn 1,2 triệu tỷ đồng vốn hóa thị trường đã bị “thổi bay”.

Giống như nhiều thị trường khác trên thế giới, sự sụt giảm mạnh mẽ này một lần nữa cho thấy tính nhạy cảm của TTCK Việt Nam trước các thông tin vĩ mô toàn cầu, đặc biệt là các diễn biến liên quan đến thương mại với Mỹ – đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn căng thẳng ấy, thị trường đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ khi thông tin từ phía Mỹ bất ngờ đảo chiều chỉ sau vài ngày. Cụ thể, chính quyền Washington tuyên bố sẽ tạm hoãn việc áp dụng mức thuế mới trong vòng 90 ngày và trong thời gian này chỉ áp dụng mức thuế 10% thay vì 46% như công bố ban đầu. Thông tin này như một “liều thuốc an thần” cho thị trường, tháo gỡ nút thắt tâm lý cho nhà đầu tư – vốn đã bị dồn nén bởi nhiều phiên bán tháo liên tiếp, giúp giải tỏa phần nào không khí u ám trước đó.

Ngay lập tức, TTCK đã có phản ứng vô cùng tích cực. Phiên giao dịch ngày 10/4 ghi nhận VN-Index tăng hơn 74 điểm – mức tăng trong một phiên mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, đưa chỉ số lên mức 1.168 điểm. Trong phiên này, toàn thị trường có hơn 90% mã tăng trần – con số hiếm thấy, ngay cả trong những giai đoạn hưng phấn nhất. Và đà tăng không dừng lại ở đó.

Sang ngày 11/4, thị trường tiếp tục bật mạnh thêm 54 điểm, đưa VN-Index lên 1.222,5 điểm – mức tăng gần 130 điểm chỉ trong hai phiên, giúp nhà đầu tư gỡ lại khoảng 700.000 tỷ đồng vốn hóa đã mất trước đó.

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những phiên sắp tới đầy tích cực vì tâm lý đã được cởi trói từ các phiên bán tháo trước đó.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những phiên sắp tới đầy tích cực vì tâm lý đã được cởi trói từ các phiên bán tháo trước đó.

Diễn biến kịch tính này không chỉ thể hiện sự nhạy bén của thị trường mà còn cho thấy mức độ phản ứng đôi khi thái quá – một quy luật vẫn lặp lại nhiều lần trong quá khứ. Khi thông tin xấu đến, nhà đầu tư bán tháo bằng mọi giá. Và khi thông tin tốt hé lộ, dòng tiền lại nhanh chóng quay trở lại, đẩy giá cổ phiếu lên trong trạng thái “mua đuổi”.

Theo nhận định của bà Cao Thị Ngọc Quỳnh – Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT – trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những phiên sắp tới đầy tích cực vì tâm lý đã được cởi trói từ các phiên bán tháo trước đó. Tuy nhiên, để đánh giá xu hướng dài hạn, cần theo dõi sát sao kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới.

Bà Quỳnh cho rằng, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này để đạt được các thỏa thuận giảm thiểu mức thuế hoặc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường có thể hướng tới vùng 1.300 điểm trong quý III/2025. Ngược lại, nếu không có tiến triển rõ ràng hoặc nếu hành vi trả đũa giữa các quốc gia trong cuộc chiến thương mại leo thang, áp lực bán có thể quay trở lại khi nhà đầu tư trở về với tâm lý phòng thủ.

"Giữ cái đầu lạnh" trong "thị trường nóng"

Trong giai đoạn biến động như hiện nay, bà Quỳnh khuyến nghị các nhà đầu tư trong nước – đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân – cần giữ tâm lý thận trọng, nhưng không nên hoảng loạn. Phản ứng thái quá như bán tháo khi có tin xấu hoặc mua đuổi khi thị trường tăng nóng đều có thể dẫn đến rủi ro lớn.

Theo đó, nhà đầu tư nên bình quân giá vốn và hạ margin về mức an toàn, sau đó giảm dần về mức thấp vì giai đoạn 90 ngày tới sẽ rất khó đoán định. Đồng thời, nên giải ngân một phần vào các tài sản có thu nhập cố định để giảm thiểu rủi ro. Về dài hạn, nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và giá cổ phiếu đã được chiết khấu mạnh trong giai đoạn quá bán vừa qua – ưu tiên các ngành ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ hoặc có khả năng thích ứng nhanh với biến động chính sách.

Cụ thể, các ngành như công nghệ thông tin, đầu tư công và tiêu dùng nội địa sẽ là những điểm sáng trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục hợp lý, tránh “all-in” vào một nhóm ngành hay cổ phiếu cụ thể, và giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định để có thể tận dụng cơ hội “bắt đáy” nếu thị trường điều chỉnh sâu. Quan trọng hơn, cần theo dõi sát các thông tin từ các cuộc đàm phán thương mại và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để đưa ra quyết định kịp thời.

Theo bà Quỳnh, việc hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày là một "cửa sổ vàng" giúp giảm áp lực ngắn hạn lên xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh đối thoại song phương với Mỹ nhằm giảm mức thuế dự kiến, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp rà soát chiến lược xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Mỹ – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch. Việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP, cùng với các chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý trong nước sẽ là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì đà phục hồi kinh tế.

Song song đó, một điểm đáng lưu ý là xu hướng rút vốn của khối ngoại trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khoảng 1,3 tỷ USD khỏi thị trường Việt Nam, chủ yếu do lo ngại rủi ro tỷ giá và mặt bằng lãi suất cao tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bà Quỳnh nhận định, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ định giá hiện tại – với P/E dưới 12 lần – đang ở vùng thấp nhất trong vòng 10 năm, tương đương các giai đoạn khủng hoảng trước.

Có thể thấy, thị trường đã, đang và sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới. Nhưng điều quan trọng là nhà đầu tư phải giữ được sự tỉnh táo giữa những đợt sóng lớn. Bởi như bài học cũ vẫn luôn đúng - thị trường không dành cho những người hấp tấp và chạy theo cảm xúc. Khi giữ được cái đầu lạnh trong thị trường nóng, cơ hội sẽ luôn đến – không chỉ một lần, mà là nhiều lần, cho những ai đủ kiên nhẫn và kỷ luật.