"Chúng ta còn nợ nông dân"
(Tài chính) PGS., TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), bắt đầu câu chuyện về Thông điệp đầu năm của Thủ tướng bằng niềm ưu tư “chúng ta còn nợ nông dân”.
Các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng và luôn chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng thực ra nông dân vẫn phải hy sinh rất nhiều. Ông nêu ra con số hiện 67,4% người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, tăng trưởng của nông nghiệp trong 2 năm trở lại đây giảm dần. Năm 2011, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,02%, năm 2012 giảm xuống còn 2,68%, năm 2013 tiếp tục giảm còn 2,67 %.
Chính vì thế, ông Hải nhận xét: “Bài viết của Thủ tướng đã nói rất đúng, và rất “trúng” những điểm trọng tâm, cốt tử của nền kinh tế nước ta. Hay nói cách khác, đó là những “điểm nghẽn” mà “chỉ có xốc vào đó, chúng ta mới tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Bên cạnh đó, 3 điểm quan trọng khác cũng được Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra một cách rõ ràng: Thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Thứ hai là xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân. Thứ ba là Thủ tướng đưa ra thông điệp về vai trò của Nhà nước, một vấn đề không mới, nhưng nay được mổ xẻ một cách chi tiết, trở lại với những chức năng rất cụ thể của Nhà nước như trong thông điệp đã đề cập.
“Hơn tất cả, Thông điệp của Thủ tướng thể hiện quyết tâm của Chính phủ ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, đã mang lại hiệu ứng rất tốt, tạo lòng tin cho nhân dân cả nước trước bước tiến mới trong năm 2014”, ông Hải nói.
“Cẩn trọng với tăng trưởng”
Khác với quan điểm của một số nhà kinh tế cảm thấy chưa thỏa mãn khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng trong năm 2014. PGS., TS. Nguyễn Chí Hải cho rằng cần cẩn trọng với tăng trưởng, điều quan trọng nhất phải là kiểm soát lạm phát dưới 7%, giảm bội chi ngân sách, tập trung vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
“Phải tăng trưởng bằng chính chất lượng, hiệu quả nền kinh tế chứ không phải bằng bội chi ngân sách”, PGS., TS. Hải nói.
Giải thích cho quan điểm này, PGS., TS. Nguyễn Chí Hải điểm lại tình hình năm 2013, cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi và trở lại đà tăng trưởng: Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt, thậm chí có những điểm sáng, như đầu tư FDI, năm 2013 thu hút 21,6 tỷ USD, một con số kỷ lục, tăng 54,6% so với 2012, với số vốn đăng ký mới 14,3 tỷ USD. Hoặc về xuất khẩu, dù giá cả giảm, nhưng vẫn tăng trưởng 15,4% kim ngạch. Trong khi mục tiêu Quốc hội đưa ra là 10%. Tương tự như vậy, nhập khẩu cũng đã tăng cao so với năm ngoái (năm 2013 kim ngạch nhập khẩu tăng 15,4%, năm 2012 chỉ tăng 6,6%), cho thấy nền kinh tế đã dần ấm lên.
Thêm vào đó, trong năm 2013, quý sau luôn tăng trưởng cao hơn quý trước, lạm phát đã giảm xuống 6,04%. Những ngày cuối năm, thu ngân sách trở thành nỗi lo, nhưng theo báo cáo mới nhất, năm 2013 có thể vẫn hoàn thành được việc thu ngân sách.
Nhưng bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn còn những điểm nghẽn: Đó là khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều bất cập, khu vực doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn; đó là nợ xấu, bội chi ngân sách. Chính phủ đã cố gắng duy trì bội chi ngân sách ở mức 4,8%, nhưng năm nay vẫn phải chấp nhận ở mức 5,3%.
Tất cả những thông tin trên cho thấy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 mà Chính phủ đưa ra là có cơ sở vì nó dựa trên dự báo tình hình trong nước, tình hình quốc tế. Tất nhiên, con số tăng trưởng GDP 5,8% không phải là con số cố định, vẫn còn có một khoảng biến động, nhưng để đạt được kết quả đó cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực. Và điều quan trọng hơn, là phải hướng đến mục tiêu dài hạn, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững trong những năm tới.
Do đó, trở lại vấn đề, theo PGS., TS. Nguyễn Chí Hải, thì vẫn là những trọng điểm mà Thủ tướng đã đề cập trong bài viết: Phải tái cấu trúc nền kinh tế, quan tâm hơn đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế về kinh tế, đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển bền vững.
Cuối cùng, từ Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Hải cho rằng để giải quyết được việc hoàn thiện thể chế, thì vấn đề cần đẩy mạnh trước hết là “đổi mới tư duy lý luận”. Kể cả một loạt vấn đề trong lý luận tưởng chừng đã là chân lý, thì nay cũng cần xem xét để hoàn thiện hơn.
“Thực tế là kể từ Đại hội Đảng VI đến nay, chúng ta đã thay đổi rất nhiều về tư duy lý luận, thế nhưng lúc này nhu cầu đặt ra càng mạnh hơn. Đảng và Chính phủ thấy rõ điều đó, sắp tới đây, chúng ta sẽ tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới lý luận từ năm 1986 đến nay, tôi kỳ vọng rằng, chúng ta có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, bởi nó là cơ sở để đổi mới, hoàn thiện thể chế và phát triển bền vững”, PGS., TS. Nguyễn Chí Hải nhận định.