Chuyển biến tích cực từ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết tốt về an sinh xã hội, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển biến tích cực
Trong những năm qua, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được khẳng định là quốc sách. Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỷ đồng, tăng 21.542 tỷ đồng (tăng 231% so với năm 2014), gồm: tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) là 9.292 tỷ đồng, tăng 788 tỷ đồng (tăng 110% so với năm 2014); tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 28.633 tỷ đồng (tăng 360% so với năm 2014). Đặc biệt, một số Bộ và địa phương có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông vận tải 23.932 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.519 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 600 tỷ đồng, Hà Nội 1.624 tỷ đồng; Đà Nẵng 570 tỷ đồng; Bình Dương 550 tỷ đồng.
Năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 776 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, phát hiện trên 32 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán 29 tỷ đồng; đồng thời qua công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã từ chối thanh toán 115 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán chưa đúng quy định. Có thể khẳng định, công tác kiểm soát chi của hệ thống Kho bạc Nhà nước được tăng cường, đảm bảo các khoản chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.
Ngày 15/6/2016, báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành đã chủ động tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công tác phí trong nước, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước (nhất là mua sắm xe ô tô công). Theo đó, chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung (trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác); tổ chức thực hiện thí điểm việc mua sắm hàng hóa được tập trung...
Bên cạnh đó, đã thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chuyển phương tiện, thiết bị làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu, những nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả hơn, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí và tiết kiệm chi phí mua sắm mới trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Cụ thể, năm 2015, đã điều chuyển 304 xe ô tô với tổng nguyên giá 197 tỷ đồng; điều chuyển 157 tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên với tổng nguyên giá 346 tỷ đồng...
Tại phiên họp hôm 15/6 cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng khẳng định, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 đã góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trong bối cảnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Trong năm 2016, theo Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong đó, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực hiện chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2016 chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên ngoài lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương; phấn đấu bội chi NSNN so với GDP là 4,95%.
Bên cạnh đó, chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động để góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%...
Trước đó, ngày 17/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 253/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 là tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội để sử dụng hiệu quả nguồn lực vàgóp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an sinh, xã hội.
Theo đó, trong năm 2016, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu NSNN để giảm chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi NSNN. Dự toán năm 2016 bố trí cho các Bộ, cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm. Cụ thể, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi; Rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả...
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN, trong năm 2016, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu thông qua tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư...
Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; Tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; Cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư; Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương...
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Rà soát, hoàn thiện chức nâng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất.Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.