Ngành Tài chính: Triệt để thực hiện phòng, chống tham nhũng
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/1/2016. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đại diện các Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua 63 điểm cầu trong cả nước.
Kiên quyết xử lý đối tượng tham nhũng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, để chuẩn bị cho việc tổng kết đúng kế hoạch và nhận thức rõ trách nhiệm, ý nghĩa chính trị của việc triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, quán triệt các mục đích, yêu cầu và nội dung tổng kết. Đồng thời, Bộ đã nhanh chóng ban hành kế hoạch tổng kết và triển khai sâu rộng trong toàn Ngành từ Trung ương đến các cấp địa phương. Nhờ đó, tính đến cuối tháng 11/2015, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã hoàn thành tổng kết và báo cáo kết quả về Bộ Tài chính tổng hợp chung để tổ chức hội nghị tổng kết theo đúng kế hoạch.
Theo đó, báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của ngành Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho biết, giai đoạn 2006-2015, Thanh tra ngành Tài chính đã triển khai 341.403 cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỷ đồng; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách quản lý tài chính; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.634 cá nhân có vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng, số đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện là 134 người. Ngành Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố 34 vụ việc, truy tố 7 vụ án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử là 42 vụ với 66 đối tượng bị kết án tham nhũng; số vụ việc tham nhũng đã được xử lý hành chính là 113 vụ với 121 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật; số vụ việc đã được phát hiện, đang được xem xét để xử lý là 5 vụ với 5 đối tượng.
Tiếp tục phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã và đang được Bộ Tài chính tích cực triển khai trên mọi phương diện hoạt động với sự cố gắng và quyết tâm cao. Từ đó, nhận thức về vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã có chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng được nâng lên rõ rệt, tham nhũng, lãnh phí đã cơ bản được kiềm chế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để có được những thành quả trên, những năm qua, Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động, từ sửa đổi, bổi sung, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài chính – ngân sách, quản lý tài sản công, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đến đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch các quy trình nghiệp vụ gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành Tài chính.
Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị trong ngành Tài chính tiếp tục triển khai phòng, chống tham nhũng triệt để trong toàn Ngành. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách, các tiêu chuẩn định mức cho phù hợp; không để tồn tại những khoảng trống về chính sách trong quản lý, là cơ hội cho tham nhũng, lãng phí.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến, công nghệ thông tin hiện đại nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian và tần suất tiếp xúc giữa người quản lý, thi hành công vụ với người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn sâu, sẵn sàng đáp ứng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội ngành trong việc thực hiện các qui định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, sửa chữa những sai sót, hạn chế, khuyết điểm trong thực thi công vụ, trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị.
Thứ sáu, triệt để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng ngành Tài chính. Tạp chí Tài chính vinh dự là một trong 10 tập thể tiêu biểu này.