Chuyển dịch dòng vốn đầu tư: Thời cơ và thách thức cho Đông Nam Á
Trước những tác động từ thương chiến Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch dời nhà máy sản xuất của họ ở Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tờ Philippines Star cho rằng, dù Đông Nam Á có những lợi thế nhất định trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất, nhưng để có thể trở thành “công xưởng của thế giới”, khu vực này phải nỗ lực rất lớn.
Những lợi thế vượt trội
Từ trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, một số ngành sản xuất đặt tại Trung Quốc đã có xu thế chuyển sang Đông Nam Á. Từ năm 2010, Việt Nam dựa trên lợi thế về chi phí đã thay thế Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới của Nike. Ngành sản xuất của Samsung vốn đã “cắm rễ” ở Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng cũng sớm xây dựng nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cho đến nay, ngành sản xuất của Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Trước sự bất ổn của môi trường sản xuất ở Trung Quốc những năm gần đây do cuộc chiến thương mại gây ra, xu thế di dời nhà máy sản xuất có thể được xem là một lựa chọn tốt. Trước hết, điều này mang đến cơ hội cho ASEAN, khi khu vực này cũng có lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở ASEAN là 67,7%. Với tổng dân số 662 triệu người, lực lượng lao động hiện tại của khối là khoảng 450 triệu người.
Ngoài lợi thế về nguồn nhân lực, điều không thể xem nhẹ là sự hỗ trợ chính sách trong nước mạnh mẽ của chính phủ các nước Đông Nam Á. Ví dụ năm 2013, khi Samsung thành lập nhà máy tại Việt Nam, họ đã nhận được các ưu đãi từ chính phủ nước sở tại, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 5% và giảm tiền thuê nhà xưởng trong 12 năm... Không chỉ vậy, các hiệp định thương mại tự do được một số nước Đông Nam Á ký kết với các nước phát triển cũng tạo lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất Đông Nam Á.
Điểm yếu
Lực lượng lao động dồi dào nhưng lợi thế về chi phí lao động hiện nay ở Đông Nam Á cũng không phải quá nổi bật so với Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), mức lương tối thiểu ở Jakarta (Indonesia) năm 2015 bằng khoảng 80% ở Bắc Kinh và nâng lên 90% vào năm 2019. Sự chênh lệch về chi phí lao động giữa khu vực này và Trung Quốc đang dần được thu hẹp khiến cho lợi thế về chi phí lao động không còn thực sự nổi bật. Hiệu quả lao động không cao cũng trở thành một rào cản lớn cho Đông Nam Á trong việc tiếp nhận chuyển giao sản xuất.
Ngành sản xuất của Trung Quốc tập trung ở các khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng đủ năng lực xử lý hoạt động vận chuyển hàng hóa như đường bộ, đường cao tốc, sân bay… trong khi cơ sở hạ tầng ở phần lớn trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, ngành sản xuất của Trung Quốc bắt đầu sớm hơn ngành sản xuất của Đông Nam Á, công nghệ cơ khí tương đối phát triển cũng là lợi thế hơn khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, điều này quyết định vị thế không thể thay thế của họ trong thương mại quốc tế. Lợi thế này cũng tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận các ngành sản xuất khác nhau. Ngược lại, chuỗi cung ứng và sản xuất ở Đông Nam Á không hoàn chỉnh, khiến khu vực này không thể tiếp nhận những ngành sản xuất có chuỗi sản xuất quá dài, do tổng chi phí vận chuyển trong các khâu của chuỗi sản xuất là quá cao.
Đối với các ngành có chuỗi sản xuất ngắn, phần lớn các nguyên liệu - phụ kiện vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, không thể tự cung cấp hoàn toàn... Do đó, để có thể trở thành “công xưởng thế giới”, Đông Nam Á vẫn còn phải đối mặt với một chặng đường dài và gian khó, chưa thể đạt được mục tiêu này trong tương lai gần.