Chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN

Theo Đình Bảng/tapchicongthuong.vn

Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm đầu tiên hội nhập ASEAN, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN chỉ đạt 3,5 tỷ USD. Đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng 12 lần, đạt 42 tỷ USD. Và đến năm 2019 tăng 16,5 lần, đạt 57,5 tỷ USD.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN tuy có sụt giảm nhưng vẫn đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng 15,4 lần so với năm 1995, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,1 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN đạt 30,5 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhập siêu của Việt Nam với khu vực này là 7,4 tỷ USD. Hiện nay, ASEAN đã trở đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sau các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

Tổng cục Thống kê phân tích, trước năm 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo.

Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện. Dệt may cũng là nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang ASEAN

Năm 2020, các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang ASEAN là: sắt thép 2,3 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 1,9 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,9 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 1,5 tỷ USD; gạo 1,4 tỷ USD; dệt may 1,4 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: điện tử, máy tính và linh kiện 4,6 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,7 tỷ USD; xăng dầu 1,9 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc 1,5 tỷ USD; chất dẻo 1,4 tỷ USD; điện gia dụng và linh kiện 1,2 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN ước tính đạt 40,8 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%, nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường ASEAN ước tính tăng như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 66,8%, đạt 1,6 tỷ USD; sắt thép tăng 24,5%, đạt 1,5 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,4%, đạt 2,9 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 102,3%, đạt 1,3 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam và ASEAN là Thái Lan, Ma-lay-si-a, In-do-ne-si-a, Cam-pu-chia, Sin-ga-po.

Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Thái Lan đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả khu vực; với Ma-lay-si-a đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 18,1%; với In-do-ne-si-a đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 15,9%; với Cam-pu-chi-a đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 14,5%; với Sin-ga-po đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 12%.

Tổng cục Thống kê nhận định, việc gia nhập ASEAN đã tác động tích cực đến tăng trưởng mạnh mẽ của xuất, nhập khẩu Việt Nam. Với việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đàm phán ký kết Hiệp định Ưu đãi thuế quan của ASEAN (CEPT), Việt Nam đã có nhiều ưu thế để tăng trưởng thương mại, kinh tế, đồng thời tạo động lực phát triển sản xuất – kinh doanh.

ASEAN là một thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt.

Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN rất thuận lợi do khoảng cách địa lý gần. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn.