Tỉnh Trà Vinh:
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Trà Vinh phát triển và tăng trưởng bền vững, ngành nông nghiệp chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
Tình hình sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm 2021 gặp khó khăn, thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; độ mặn trong đất còn tồn dư ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cây màu dẫn đến năng suất thấp. Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phát triển và tăng trưởng bền vững, ngành nông nghiệp chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khảo sát, điều chỉnh bố trí sản xuất tập trung từng vùng cụ thể tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, nguy cơ tìm ẩn mầm bệnh trên cây trồng. Khuyến cáo nông dân chọn và cơ cấu cây trồng phù hợp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay; cần có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất và quy hoạch vùng sản xuất cho loại cây trồng phù hợp với từng địa phương.
Xây dựng kết cấu hạ tầng tỉnh Trà Vinh, nhất là hệ thống tưới tiêu ở những vùng chưa kiên cố hóa về hệ thống thủy lợi; phát triển bền vững vùng chuyên canh cây lúa hiệu quả, liên kết với doanh nghiệp tăng cường đầu ra sản phẩm cây trồng, đảm bảo giá và thị trường tiêu thụ ổn định; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân.
Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trị sâu, bệnh gây hại lúa; chú ý rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, bệnh cháy bìa lá, thông báo đột xuất khi sâu bệnh phát sinh bất thường. Tiếp tục phát triển rau, màu chuyên canh trên đất rẫy; đưa cây màu xuống ruộng ở những nơi có điều kiện; hướng dẫn quy trình sản xuất, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 06 tháng đầu năm 2021 tập trung vào thu hoạch và gieo trồng cây lúa, hoa màu các vụ; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được khống chế hiệu quả; sản lượng khai thác thủy sản đạt khá do thời tiết thuận lợi; giá một số loại nông sản và thủy sản vẫn ổn định ở mức cao; thị trường tiêu thụ tôm, cá tra tiếp tục khởi sắc do thị trường xuất khẩu đang dần hồi phục.
Đến nay, tình hình sản xuất lúa và hoa màu đạt kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2020 cả về diện tích, năng suất và sản lượng, do diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh 133.242ha, tăng 13,99% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 389.145 tấn, tăng 74,46% so với cùng kỳ.
Diện tích hoa màu toàn tỉnh đạt 32.528ha, tăng 1,07% so với cùng kỳ do giá một số sản phẩm hoa màu ổn định ở mức cao nên nông dân tập trung gieo trồng, riêng giá mía đã tăng trở lại sau thời gian sụt giảm liên tục giúp người trồng mía giảm bớt khó khăn.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi 1.212ha đất trồng lúa kém hiệu quả và 125,8ha đất trồng mía sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và kết hợp nuôi thủy sản. Thực hiện chuyển đổi từ 01 vụ lúa sang sản xuất 01 vụ lúa - 01 vụ tôm thích ứng với BĐKH mang lại hiệu quả cao phải kể đến nông dân Trịnh Văn Vấn, ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang.
Ông Vấn cho biết: với 02ha đất sản xuất 01 vụ lúa/năm, 04 năm gần đây từ khi ông thực hiện chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, trong đó ông chuyển 0,7ha đất chuyên sản xuất lúa thường sang trồng lúa hữu cơ và đào ao 1,3ha đất lúa sang nuôi tôm hiệu quả kinh tế gấp 10 lần so với trồng 01 vụ lúa. Thời điểm đầu chuyển đổi, năng suất lúa hữu cơ đạt hơn 05 tấn/ha, được bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha.
Cùng với đó, mỗi vụ tôm sú, tôm thẻ đạt lợi nhuận khá cao, bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Vụ sản xuất năm 2020 - 2021, tình hình thời tiết biến đổi thất thường nên năng suất lúa giảm còn 04 tấn/ha, lợi nhuận 10 triệu đồng/ha.
Song song đó, đến cuối tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đàn bò tiếp tục tăng, đạt 220.500 con, tăng 3,30% so với cùng kỳ năm trước do gặp thuận lợi về giá và thị trường tiêu thụ cộng với tận dụng đất trồng cỏ và thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp nên người nuôi có lãi ổn định; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.079 tấn, tăng 28,09% so với cùng kỳ. Đàn heo của toàn tỉnh dần được khôi phục kể từ khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, hiện có 211.300 con, tăng 37,85%; sản lượng heo hơi xuất chuồng ước đạt 14.636 tấn, tăng 30,45% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn hơn cùng kỳ năm 2020, đàn gia cầm hiện có 7,534 triệu con, giảm 1,09%, trong đó đàn gà có 5.404 triệu con, giảm 1,11% do giá thịt gà hơi sụt giảm cộng với giá thức ăn liên tục tăng cao; thời tiết nắng nóng kéo dài, về đêm nhiệt độ xuống thấp làm cho đàn gà phát triển chậm, sức đề kháng yếu, hao hụt nhiều nên người nuôi hạn chế tái đàn hoặc mở rộng quy mô; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 11.864 tấn, giảm 3,41% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 83,166 triệu quả, tăng 5,91% so với cùng kỳ.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh ước đạt 59.546 tấn, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là sản lượng cá lóc, tôm sú và tôm thẻ chân trắng do thuận lợi thị trường tiêu thụ nên nông dân tập trung thu hoạch để cải tạo ao hồ thả nuôi vụ tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhiều hộ đầu tư thả nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với mật độ cao đem lại hiệu quả kinh tế nên sản lượng cũng tăng hơn so với cùng kỳ; sản lượng cá tra và cá lóc tăng dần do thị trường tiêu thụ dần hồi phục cộng với giá đã tăng trở lại. Sản lượng khai thác thủy, hải sản ước đạt 39.456 tấn tôm, cá các loại, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm trước.