Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Tư vấn thay vì tạo áp lực
Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp (DN) cần được xem như là một trong những biện pháp mang tính tư vấn, tiếp sức cho hộ kinh doanh có điều kiện phát triển. Không nên tạo áp lực bằng các biện pháp mang tính hành chính nhằm tránh những hành vi đối phó của hộ kinh doanh, làm chệch hướng mục tiêu đề ra.
Thực hiện mục tiêu phát triển DN cả về số lượng lẫn chất lượng theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016, rất nhiều giải pháp để phát triển DN được thực hiện. Trong đó, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN được nhiều địa phương thực hiện nhằm phát triển nhanh số lượng DN cũng như dễ dàng triển khai các chính sách trợ giúp DN. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, chủ trương này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đạt kết quả như mong đợi.
Phát triển DN được xác định có ba nguồn cơ bản, gồm: DN khởi nghiệp mới hoàn toàn, DN hiện có phát triển thêm quy mô và chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Nhận thấy thực tế DN khởi nghiệp mới hoàn toàn với tỷ lệ thành công thấp nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng. DN hiện có phát triển thêm quy mô tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng, nhưng cũng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng. Do vậy, nhiều địa phương kỳ vọng chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN là giải pháp nhanh nhất để phát triển số lượng DN.
Chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN là chủ trương vừa có lợi cho DN chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Chủ trương này góp phần thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính thông thoáng hơn. Qua đó giúp DN dễ dàng nhận diện cơ hội làm ăn lớn hơn, áp lực tuân thủ pháp luật buộc DN phải minh bạch hơn, quản lý bài bản hơn.
Sau khi chuyển đổi, DN sẽ dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa cũng dễ được đưa vào các hệ thống phân phối hơn, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, dễ gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu hơn, thuận lợi hơn trong việc huy động vốn khi phát triển quy mô lớn hơn.
Chủ trương này được lồng ghép vào nhiều chính sách phát triển DN ở tầm quốc gia. Chẳng hạn như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa xác định rõ đối tượng nhận được sự trợ giúp là DN (không trợ giúp cho hộ kinh doanh), và nhiều sự hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Theo đó, nhiều địa phương thực hiện chủ trương với quyết tâm chính trị cao, thậm chí có nhiều địa phương giao chỉ tiêu vận động, tuyên truyền hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN cho chính quyền cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, còn nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên DN bởi sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý có phần nhiều hơn, như các giấy phép về môi trường; e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra; thủ tục kê khai, quyết toán thuế; thuê mướn thêm kế toán... làm tăng thêm chi phí gián tiếp. Một số trường hợp muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình DN như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro... nên chưa đủ tự tin để phát triển lên DN.
Khi gặp áp lực phải chuyển đổi, nhiều hộ kinh doanh đối phó bằng cách thành lập DN mới song song với hộ kinh doanh. Mọi chi phí hoạt động đều đưa vào DN, còn nguồn thu chuyển sang hạch toán cho hộ kinh doanh. Do vậy, DN mới thành lập lúc nào cũng khai lỗ trên sổ sách, trong khi hộ kinh doanh vẫn nộp thuế khoán trên doanh thu "mập mờ".
Sở dĩ tồn tại hành vi đối phó của hộ kinh doanh như trên là vì việc triển khai thực hiện các chủ trương chuyển đổi chưa cân nhắc đến hành vi của hộ kinh doanh. Công tác quản lý việc tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh còn lỏng lẻo và có nhiều kẽ hở hơn so với DN.
Chọn hình thức hộ kinh doanh là chọn "không gian làm ăn" để dễ bề thực hiện các hành vi né thuế, tránh tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, lao động, thanh tra, kiểm tra các loại. Do vậy, khi nào chưa thắt chặt kỷ cương, chưa quản lý tốt việc tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh thì sẽ khó tạo động lực cho việc chuyển đổi diễn ra theo đúng thực chất và đạt hiệu quả.
Trên thực tế, không phải hoạt động làm ăn nào cũng phù hợp với DN. Hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN được diễn ra theo "quy luật trưởng thành của hộ”. Trong quá trình làm ăn, hộ từng bước tích lũy tiền bạc, nhận diện được các cơ hội lớn hơn, từ đó thôi thúc họ đầu tư thêm để tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối...
Lúc đó buộc họ phải cần đến tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng, vay vốn, hưởng chính sách ưu đãi, đưa hàng vào các hệ thống phân phối, thuê mướn thêm nhân viên, tự khắc họ sẽ chuyển đổi lên DN. Do vậy, chủ trương này nên xem như là giải pháp góp phần tiếp sức cho hộ kinh doanh mạnh dạn làm ăn lớn hơn.
Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN không thể thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính. Thay vào đó cần thực hiện như giải pháp mang tính tư vấn, đồng hành cùng hộ kinh doanh trong quá trình làm ăn của họ.
Trong trường hợp hoạt động làm ăn thông thường chỉ để kiếm đồng ra đồng vô, cũng không có tiềm năng phát triển, thị trường ở phạm vi hẹp... phù hợp với mô hình hộ kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí và thuận lợi cho quản lý thì không nên vận động họ chuyển đổi lên DN. Còn đối với các hoạt động kinh doanh với ý tưởng sáng tạo, có thể bắt đầu nhỏ nhưng có triển vọng phát triển lớn, thị trường tiềm năng ở phạm vi rộng... thì nên kinh doanh theo mô hình DN để có điều kiện phát triển lớn hơn, vươn xa hơn.