Chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn

Để có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thì phải tính toán để phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, chuyển đổi số và coi đó là đột phá để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều giải pháp từ việc tổng kết Nghị quyết 26 sẽ được đưa vào chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn .
Nhiều giải pháp từ việc tổng kết Nghị quyết 26 sẽ được đưa vào chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn .

Chiều 12/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đây là một trong 9 chuyên đề khoa học do Bộ NN&PTNT chủ trì và cũng là một trong hơn 20 chuyên đề khoa học phục vụ tổng kết Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phát triển khá toàn diện; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước là những kết quả nổi bật sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm báo cáo khoa học và nhiều ý kiến tại hội thảo đã tập trung làm rõ về cơ sở lý luận và nội hàm về quan điểm, giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Những báo cáo đã khẳng định ý nghĩa quan trọng và những kết quả đạt được của Nghị quyết số 26 được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả cao trong cuộc sống. Một số ý kiến đề xuất cần làm rõ mô hình sẽ chuyển đổi của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới so với mô hình hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trước bối cảnh và yêu cầu mới với nhiều biến đổi như: Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn tiến rất nhanh; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ; thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng phức tạp, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn cầu… đòi hỏi cần tổng kết sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết số 26.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần đề xuất ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để định hướng sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu và xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: “Việc triển khai Nghị quyết quan trọng này giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nông nghiệp gắn chặt hơn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa”.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực được Bộ Chính trị giao tổng kết Nghị quyết số 26. Ban Kinh tế Trung ương đã và đang tiếp thu ý kiến của 63 tỉnh, thành phố, của các bộ, ngành của các cơ quan liên quan để rà soát tổng thể  những thành tựu cũng như những hạn chế tồn tại trong thực hiện Nghị quyết số 26.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dự thảo mới sẽ đánh giá chính xác và sát với tình hình thực tế hiện trạng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

Ông Hưng cũng cho biết, tới đây sẽ đề xuất những nhóm giải pháp thực hiện, trong đó tính đến việc phát huy những kết quả và thành tựu đã đạt được cũng như xác định những yếu tố mới trong bối cảnh kinh tế thế giới với Việt Nam.

Đặc biệt, sẽ xem xét tới biến đổi khí hậu; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, các tiêu chuẩn của các nước… để có những đột phá và những bước tiến mạnh mẽ hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: “Nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra như: Tăng cường nhận thức, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và tăng cường đầu tư của Nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng tham gia phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chúng ta đang nói tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thì phải tính toán để phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và coi đó là đột phá để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam”.