Chuyển đổi số: Giải pháp tối ưu hóa kinh doanh nhà hàng, ẩm thực trong bối cảnh mới

Theo Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Sau thời gian giãn cách, các nhà hàng kinh doanh ăn uống, ẩm thực thay vì phải đóng cửa, nay đã bước đầu được mở lại. Làm thế nào để tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch, đó là vấn đề các nhà hàng kinh doanh ăn uống, ẩm thực quan tâm. Một trong những giải pháp khả quan, đó là chuyển đổi số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi chưa có dịch bùng phát, thì nguồn doanh thu chủ yếu của các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, ẩm thực đến từ kênh khách hàng truyền thống sử dụng dich vụ, ăn uống tại chỗ là chính, doanh thu từ các kênh khách hàng khác (đặt hàng qua app, mua mang về…) tỷ trọng rất thấp. Đại dịch bùng phát, yêu cầu đảm bảo an toàn cả với khách hàng cũng như nhà hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đều được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Xu hướng mua sắm, giao dịch, thanh toán từ trực tiếp sang hạn chế tiếp xúc (đặt hàng qua app, ship hàng mua mang về, thanh toán không dùng tiền mặt…) ngày càng gia tăng khi đại dịch tác động.

Đặc thù kinh doanh nhà hàng ăn uống, ẩm thực chủ yếu vẫn là phục vụ khách hàng tại chỗ. Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp, trong bối cảnh mới thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, yếu tố đảm bảo an toàn vẫn được ưu tiên hàng đầu, thì lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại chỗ chắc chắn sẽ chưa thể khôi phục như bình thường, xu hướng khách hàng sử dụng dịch vụ từ xa vẫn sẽ tiếp tục phát triển và duy trì, kể cả sau đại dịch bởi có yếu tố công nghệ tác động. Nhiều quán ăn đã và đang tăng cường khai thác kênh bán hàng mang về, bán hàng online qua mạng xã hội, bán hàng thông qua trung gian app công nghệ.

Tuy nhiên, bán qua kênh mang về phải tổ chức đội ngũ nhân viên đi giao hàng (ship), hoặc sử dụng dịch vụ ship cũng khiến phát sinh chi phí và nhân lực; còn bán hàng qua trung gian app công nghệ, chi phí rất cao, chiết khấu từ app có thể lên đến 25% giá thành phẩm, nên doanh thu và lợi nhuận không nhiều.

Chủ động đầu tư áp dụng các giải pháp số hóa vào hoạt động để vừa giữ chân nhóm khách hàng tại chỗ, thu hút các nhóm khách hàng mới từ cả nhóm sử dụng dịch vụ trực tiếp và từ xa, qua đó tăng doanh thu, giảm chi phí, đang được nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống, ẩm thực quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà cung cấp giải pháp số hóa cũng đã đưa ra các giải pháp phần mềm để giúp lĩnh vực kinh doanh ăn uống có thể lựa chọn trong xu thế phát triển kinh tế số.

Tại cuộc hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh F&B để tăng doanh thu”, diễn ra sáng ngày 19/10/2021, bà Trần Thị Diễm Thúy - Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Cổ phần MISA - cho rằng: Các nhà hàng nên chủ động thay đổi tư duy kinh doanh từ truyền thống sang áp dụng các giải pháp số hóa, ứng dụng các phần mềm phù hợp vào qui trình vận hành nhà hàng để tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận, đảm bảo an toàn cho cả khách hàng và nhân viên.

Theo bà Trần Thị Diễm Thúy, trên thị trường hiện có khá nhiều các giải pháp phần mềm số hóa được tích hợp phù hợp với lĩnh vực nhà hàng, ăn uống có thể sử dụng, đáp ứng được các yêu cầu về vận hành, quản lý nhân sự, bán hàng, tài chính, khách hàng, tiếp thị, đầu vào, đầu ra, quản lý chi phí, quản lý doanh thu và nhiều hoạt động khác. Các hệ thống phần mềm tích hợp áp dụng cho lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực khá dễ sử dụng, giao diện thân thiện, các nhà cung cấp thường hỗ trợ cài đặt và hỗ trợ vận hành hệ thống (kể cả trong trường hợp trục trặc kỹ thuật).

Ông Brian Đặng- Công ty Brian MCS- cho rằng, kinh doanh nhà hàng, ẩm thực trong bối cảnh mới thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, đòi hỏi yếu tố đảm bảo an toàn vẫn phải được đặt lên hàng đầu cho cả nhân viên và khách hàng. Điều này có thể làm gia tăng chi phí hoạt động, trong khi mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận thì vẫn không thể từ bỏ. Để tăng hiệu suất kinh doanh, đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, các nhà hàng cần phải tính đến các giải pháp tinh gọn và đa nhiệm vai trò của đội ngũ nhân sự, cải tiến sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng trong bối cảnh mới (cả về bao bì, chất lượng...), tăng cường khai thác các kênh bán hàng online bên cạnh việc giữ chân khách hàng sử dụng dịch vụ tại chỗ theo hướng tiết giảm chi phí.

Theo ông Brian Đặng, chuyển đổi số là một hướng đi phù hợp với các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh ăn uống, ẩm thực. Cách tiếp cận chuyển đổi đơn giản nhất từ bán hàng offline sang online, bước đầu có thể tận dụng các hình thức miễn phí rồi đến trả phí và chuyên nghiệp hóa dần lên. Cần thiết kế có gian hàng online trực tuyến để đưa sản phẩm, dịch vụ và thông tin lên đó, tăng cường truyền thông, quảng bá thông qua các kênh trực tuyến miễn phí như các mạng xã hội (chia sẻ đường link, hoặc mã QR nhà hàng… qua facebook, zalo) để khách hàng có thể biết và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.