Chuyển đổi thẻ: Cần gia tăng “tiện ích”

Theo Hoàng Lan/congthuong.vn

Với nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, quy mô thị trường lớn, chi phí tài chính cao, nhất là tâm lý e ngại của người dân… là những vấn đề lớn, đè nặng lên quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của ngành ngân hàng.

Hết quý III/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100% thẻ từ sang thẻ chip
Hết quý III/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100% thẻ từ sang thẻ chip

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt - Khai thác giá trị gia tăng thẻ nội địa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) tổ chức ngày 27/12.

Gặp “khó” do nhu cầu của khách hàng

Việt Nam đang có khoảng 122,39 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành, bao gồm thẻ nội địa và thẻ quốc tế. Theo Thông tư số 41/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018, đến thời hạn ngày 31/12/2021, 100% thẻ nội địa đang lưu hành sẽ được chuyển sang thẻ chip cho khách hàng. Ngay từ khi Thông tư trên được ban hành, các ngân hàng, Napas và các đơn vị có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa.

Thống kê của NHNN về lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho thấy, đến hết quý 3/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100%; 8 tổ chức chuyển đổi 70-90%; 9 tổ chức chuyển đổi 50-70%; chỉ còn khoảng 20 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi dưới 50%.

Nhìn nhận về yêu cầu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN, cho rằng: Đây là yêu cầu phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Bởi lẽ, trước đó ngành ngân hàng đã có bước phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn thẻ từ. Tuy nhiên, vấn đề rủi ro, mất an toàn dần nổi lên như việc các đối tượng nước ngoài tận dụng công nghệ thẻ từ cũ đã hoạt động hành vi phạm tội. Nếu không sớm chuyển đổi, Việt Nam có thể trở thành vùng trũng của tội phạm công nghệ. “Thêm vào đó, thẻ chip còn cho phép kết nối với nước ngoài theo một chuẩn chung, tích hợp nhiều ứng dụng để mở ra không gian phát triển mới cho lĩnh vực thanh toán thẻ. Nhìn chung, thẻ chip mang lại lợi ích cho cả người dùng, cho tổ chức phát hành thẻ và trung gian thanh toán thì việc chuyển đổi là điều chắc chắn xảy ra” - ông Dũng chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng: Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người dân.

Chia sẻ từ thực tiễn, bà Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank cho rằng, trong quá trình chuyển đổi dù các ngân hàng đã chủ động, đưa ra nhiều giải pháp như marketing, công tác truyền thông, quảng bá, miễn phí chuyển đổi thẻ chip nội địa... nhưng tỷ lệ chuyển đổi vẫn chưa cao vì tâm lý e ngại của người dân.

Còn theo ông Nguyễn Bá Tuyến, Phó Giám đốc khối ngân hàng số, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cái khó nhất hiện nay chính là nhu cầu của khách hàng. Khách hàng chưa đủ thông tin, nhìn nhận tiện ích tích cực thực sự mà thẻ chip mang lại và vẫn thấy thẻ từ giao dịch bình thường. Nên chưa thể kích thích người dân chuyển đổi thẻ.

Nhìn nhận tích cực hơn về quá trình chuyển đổi thẻ, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Napas cho rằng, về mặt số liệu, chuyển đổi thẻ tương đối tích cực, năm 2020 lượng thẻ chuyển đổi hơn 10% nhưng hết tháng 11 năm nay lượng chuyển đổi gần 40%. Thẻ chưa chuyển đổi thì còn nhiều nhưng lượng giao dịch bằng thẻ chip đã lên đến 50%. Rõ ràng sử dụng thẻ chip tích cực và tần suất cao hơn so với mức trung bình hành vi tiêu dùng.

Tăng “tiện ích” để thu hút khách hàng

Để thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt: Cần phát triển ứng dụng cho thẻ chip, theo đó, tập trung vào hai công đoạn chính:

Thứ nhất, tiếp tục công tác chuyển đổi thẻ từ hiện nay đang làm tích cực từ Napas, cơ quan nhà nước, ngân hàng.

Thứ hai, để ứng dụng được tính năng tiện ích của thẻ chip vào cuộc sống như việc Napas đã hợp tác với Vinbus và cần phải nhân rộng những mô hình này. “Phải làm sao để hơn 100 triệu thẻ hiện nay sau khi chuyển đổi ứng dụng, tính năng, công nghệ, khách hàng có thể sử dụng được mà không phải phát sinh thẻ mới với Metro hay Vinbus. Có nghĩa là chỉ cần một thẻ, ứng dụng tất cả tiện ích, điều này vừa giúp công tác chuyển đổi tích cực hơn, công nghệ đi vào cuộc sống hơn” - ông Tuyến nói.

Với vai trò là cơ quan tổ chức cũng như chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, đại diện Napas cho biết, đơn vị luôn ưu tiên cao nhất cho thành viên để chuyển đổi sang thẻ chip. Bên cạnh chứng thực và đa dạng hoá nhà cung cấp, đối tác về công nghệ đảm bảo đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của ngân hàng, thì năm 2020-2021 Napas triển khai chương trình hỗ trợ chi phí chuyển đổi cho các ngân hàng với giá trị lên đến 130 tỷ đồng. Về phí giao dịch trên ATM và POS, miễn giảm phí giao dịch.

Ngoài ra, Napas còn phối hợp ngân hàng thành viên để truyền thông thẻ chip và ưu điểm, ứng dụng của thẻ chip đáp ứng nhu cầu của người dân để thuyết phục khách hàng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi. Kết quả, về hạ tầng thanh toán, đã hoàn thành 100% với 90% lượng máy ATM và 100% máy POS thiết bị chấp nhận thanh toán. Phần trăm còn lại chưa chuyển đổi được là những thiết bị quá cũ không có điều kiện để nâng cấp. Các ngân hàng đang có kế hoạch thay đổi.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, thời gian tới, Napas sẽ cùng ngân hàng thành viên thực hiện chương trình marketing thúc đẩy nhanh chuyển đổi cho khách hàng. Đồng thời, để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ chip, Napas cũng không ngừng nghiên cứu, ra mắt sản phẩm thẻ đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng, tăng tính tiện ích cho chủ thẻ. Những nghiên cứu này mang tính chiến lược, xây dựng hệ thống giải pháp phần mềm hỗ trợ giao thông công cộng.

Đặc biệt, Napas đã kết nối với các quốc gia khác trên thế giới tổ chức chuyển mạch để thẻ ghi nợ nội địa có thể sử dụng quốc tế như sang các quốc gia khác rút tiền, thanh toán. Hiện nhiều thẻ thành viên Napas đã sử dụng để thanh toán tại Thái Lan, Malaysia dù chưa chuyển sang thẻ chip. Do vậy, khi chuyển sang thẻ chip thì chỉ cần nâng cấp đầu phía nước bạn. “Chủ thẻ ở thời điểm hiện tại được sẵn sàng hỗ trợ chiều giao dịch tại Hàn Quốc, Nga, Lào... Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các phương án mở rộng sang các lãnh thổ khác để phát hành thẻ kép vừa chi tiêu nội địa vừa chi tiêu quốc tế dễ dàng hơn” - Phó Tổng giám đốc Napas nhấn mạnh.

Số liệu từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020). Ngoài ra, chỉ từ tháng 3 đến tháng 10/2021, đã có trên 2,22 triệu tài khoản được mở bằng phương thức eKYC. Đồng thời, có hơn 23 triệu giao dịch được thực hiện bằng các tài khoản này.