Chuyển động tích cực của môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo Đậu Anh Tuấn/nhandan.com.vn

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. “Tấm gương” PCI 2017 đã phản ánh một môi trường kinh doanh có chuyển biến ấn tượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh doanh khởi sắc

Hơn 10.200 doanh nghiệp (DN) dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 tỉnh, thành phố đã tham gia trả lời điều tra PCI 2017, cùng vẽ nên một bức tranh có gam mầu sáng.

Dễ nhận thấy điểm nổi bật đầu tiên là kết quả kinh doanh của DN khởi sắc trong năm 2017. Quy mô vốn trung bình của một DN đạt 17,4 tỷ đồng, so với mức 7,5 tỷ đồng của năm 2006. Tỷ lệ DN tuyển dụng thêm lao động trong năm gần nhất đạt mức 12%, gấp đôi con số 6% của giai đoạn 2012 - 2013; cho thấy tình hình kinh doanh của các DN dân doanh đang bắt đầu phục hồi trở lại, sau một thời kỳ khó khăn trước đó.

Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của DN cũng chuyển động cùng chiều. Điều tra PCI năm 2017 cho thấy, có tới 52% DN dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới - mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tâm lý lạc quan về triển vọng tăng trưởng thậm chí còn rõ rệt hơn ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2018, có tới 60% doanh nghiệp FDI có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Chất lượng điều hành được cải thiện

Công tác điều hành của các chính quyền địa phương trên cả nước cũng có sự cải thiện đáng kể trong năm 2017. Điểm số PCI trung vị (điểm của tỉnh bình quân) năm 2017 đạt 62,2 điểm, mức cao kỷ lục trong 13 năm điều tra PCI của VCCI. So sánh riêng kết quả điều tra của năm 2017 với năm 2016, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành đều có cải thiện về điểm số PCI. Còn nếu tính toán mức thay đổi trung bình của điểm số PCI qua 41 chỉ tiêu liên tục được sử dụng từ năm 2006 cho tới nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố (62/63) được cộng đồng DN ghi nhận có cải thiện về chất lượng điều hành theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đáng lưu ý, trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh này, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách ấn tượng. Cụ thể, điểm số PCI của tỉnh thấp nhất chỉ là 36 điểm vào năm 2006, thì năm 2017, con số này đã lên tới 55 điểm, cao nhất trong 13 năm điều tra PCI.

Cùng với đó là những cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành của cả năm thành phố trực thuộc trung ương, nơi đang diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động nhất. Lần đầu trong 13 năm tiến hành điều tra PCI, cả năm trung tâm kinh tế lớn, Hà Nội (vị trí 13), TP Hồ Chí Minh (8), Hải Phòng (9), Cần Thơ (10) và Đà Nẵng (2) đều có mặt trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Trong số những lĩnh vực có nhiều cải thiện rõ rệt, cải cách thủ tục hành chính và chi phí không chính thức giảm có lẽ là hai xu hướng nổi trội nhất. Điều tra PCI 2017 ghi nhận những cải thiện rất đáng khích lệ về hiệu quả và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố. Gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính đối với các DN dân doanh trong năm 2017 đã giảm đáng kể, đặc biệt là so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Đặc biệt, năm 2017 còn chứng kiến những chuyển biến rõ rệt trong chất lượng và hiệu quả vận hành của cơ quan hành chính địa phương. Ghi nhận từ điều tra PCI năm 2017 cho thấy, 72% DN đánh giá các cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả, 52% DN cho rằng, thủ tục giấy tờ đơn giản và 92% cho biết phí, lệ phí được công khai. Những con số này đều cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.

Một điểm sáng khác không thể không nhắc tới là chi phí không chính thức đã giảm. Cụ thể, năm 2017 trung bình có hơn 59% DN phải chi trả chi phí không chính thức so với mức 66% của năm 2016. Tỷ lệ DN nhận thấy có tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong các hoạt động mua sắm, đấu thầu từ khu vực công của năm 2017 là 54,9% - giảm đáng kể so với con số 59,8% của năm 2015.

Vẫn còn nhiều lo lắng

Dĩ nhiên, nhìn từ PCI, vẫn còn có một số lĩnh vực cần thêm nhiều nỗ lực. Các DN đang lo lắng hơn về vấn đề tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Cụ thể, các DN cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng, mức độ phiền hà trong việc thực hiện những thủ tục hành chính về đất đai còn lớn. Bên cạnh đó, một bộ phận DN phản ánh những lo ngại về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, khi có khoảng 14,5% số DN trả lời điều tra cho biết bị mất mát tài sản trong năm vừa qua. Dù vậy, điều đáng mừng là các DN đánh giá các cơ quan chức năng đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn trật tự cho DN. Có tới 70% DN bị mất mát tài sản đánh giá cơ quan công an địa phương đã hỗ trợ DN hiệu quả để giải quyết vụ việc.

Nhìn chung, kết quả điều tra PCI 2017 đối với các DN dân doanh trong nước cho thấy xu hướng cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua. Nhiều địa phương đang tích cực thực hiện các chính sách quan trọng của Đảng, Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình.