Chuyên gia Đan Mạch chia sẻ về phát triển đô thị

Theo Tâm An/cafeland.vn

Kinh nghiệm từ Copenhagen, thủ đô và là thành phố lớn nhất của Đan Mạch, cho thấy tại đất nước này, người ta nghĩ về cuộc sống đô thị và về không gian đô thị trước khi thiết kế các toà nhà. Sẽ không có thành phố nếu không có người dân sống, làm việc và di chuyển quanh thành phố cũng như trong các toà nhà và trên đường phố.

Bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen.
Bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen.

Đặt con người lên ưu tiên hàng đầu

Tại buổi Hội thảo Đô thị bền vững và sống tốt sáng 27/11tại Hà Nội, bà Tina Saaby, KTS trưởng, Hội đồng thành phố Copenhagen, cho rằng chính cuộc sống đô thị sẽ quyết định tính bền vững và đáng sống của thành phố. “Tại Copenhagen, chúng tôi nghĩ về cuộc sống đô thị và về không gian đô thị trước khi thiết kế các toà nhà”, bà Tina Saaby nói.

Bởi vậy, yếu tố con người được nơi này chú trọng. Họ cho rằng, việc con người tiếp xúc với nhau là vô cùng quan trọng để có thể xoá bỏ những khoảng cách, trở ngại, tăng tính kết nối giữa người với người, từ đó tạo sự kết nối trong mối tương quan tổng thể ở một thành phố. 

Điều này ảnh hưởng đến thiết kế của các toà nhà và không gian đô thị tại Copenhagen. Theo bà Tina Saaby, để tăng tính kết nối, thành phố này khuyến khích bỏ đi những hàng rào, xây dựng thành phố rộng mở, thiên nhiên đô thị, dễ dàng đi lại giữa nhà ở và nơi làm việc, trường học, con người tin tưởng lẫn nhau.

Trong quá trình xây dựng, hình thành không gian đô thị, bản thân những người làm thiết kế cũng phải kết hợp với nhau để hiểu và thống nhất với nhau về tầm nhìn đô thị, phải thương lượng với những nhà đầu tư và phát triển để tạo ra những khu sống tốt. 

Bà Tina Saaby dẫn lời Annika, nhà nghiên cứu đồng sáng tạo tại Đại học Roskilde: “Chính trị gia và nhà quản lý cần can đảm từ bỏ một số kiểm soát và chấp nhận thay đổi những thói quen. Bên cạnh đó, người dân cũng phải quen với việc không chỉ đứng ở vị trí đòi hỏi phúc lợi, mà họ cũng cần có một phần trách nhiệm. Tất cả các bên đều sẽ cần thời gian để thích nghi!”.

Copenhagen cũng chủ trương không phá huỷ các toà nhà cũ mà chỉ chuyển đổi, vì theo họ như vậy sẽ tạo ra những không gian sống độc đáo, tạo sự đa dạng cho đô thị, thay vì đưa người dân vào trong những khu căn hộ giống nhau. 

Theo bà Tina, quá trình phát triển của Copenhagen cần tôn trọng các giá trị văn hoá hiện có. Điều đó có nghĩa là chúng ta không nên xem xét liệu một toà nhà hay kết cấu vật thể khác có đáng để bảo tồn hay không mà còn xem xét tất cả các yếu tố có giá trị văn hoá hay xã hội, đặc biệt đối với cư dân và người sử dụng của thành phố.

“Chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực bảo tồn, bổ khuyết và chuyển đổi thành phố”, bà Tina Saaby nói.

Bà cho rằng, khi tạo ra những khu phố mới, người dân phải thuộc về khu phố đó, phải kết hợp với nhau, đảm bảo rằng không ai bị loại bỏ ra khỏi không gian đó. “Bản thân mỗi người hãy là đại sứ cho thành phố mình mong muốn, di chuyển nhiều hơn bằng xe đạp, tiếp xúc bằng mắt với mọi người”, bà Tina nói.

Từ người dân có trách nhiệm, Copenhagen hướng đến xây dựng thành phố trách nhiệm với 3 chỉ số. Đó là thủ đô đầu tiên cân bằng phát thải cacbon, không lãng phí tài nguyên và không bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Cụ thể, trong kế hoạch kiểm soát mưa giông, vị đại diện đến từ Đan Mạch cho biết họ đã cố gắng tạo ra một chiến lược. Đó là tạo ra một không gian công cộng cho thành phố để thu hút nước mưa vào đó. Trải qua 20 năm xây dựng, hiện nơi này có 300 dự án với mức vốn đầu tư 1,5 tỉ USD (khoảng 34.500 tỉ đồng).

Ở các khu vực phát triển đô thị mới phía bắc Copenhagen tập trung vào chức năng và không gian của toà nhà, quy định mặt tiền của toà nhà một cách cụ thể. Không sử dụng năng lượng, hệ thống sưởi không dùng hệ thống cũ, làm sao để pha trộn giữa không gian làm việc với nhà riêng, nhà xã hội, rạp chiếu phim, nhà hàng… “Chúng tôi kết hợp thành phố, khu dân cư đa chức năng để mọi người có thể làm việc, sinh sống trong thành phố”, bà Tina cho biết.

GS.TS.KTS Tom Nielsen, Đại học Kiến trúc Aarhus.
GS.TS.KTS Tom Nielsen, Đại học Kiến trúc Aarhus.

Bài học cho Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển đô thị, GS.TS.KTS Tom Nielsen, Đại học Kiến trúc Aarhus, cho rằng Đan Mạch và Việt Nam có nhiều khác biệt xét trên nhiều phương diện. Về quy hoạch và thiết kế đô thị bền vững, có 3 vấn đề của Đan Mạch trong quy hoạch và kiến trúc đô thị, cảnh quan có thể phù hợp với các đô thị ở Việt Nam. Đó là không gian công cộng, thiết kế để người dân tiếp cận dễ dàng các khu vực có mặt nước và việc căn bằng sự thống lĩnh của xe hơi trong đô thị.

Cụ thể, với không gian công cộng, ông Tom Nielsen cho biết, đầu tư và lập quy hoạch cho không gian đô thị công cộng hấp dẫn hơn là trọng tâm chính của các thành phố tại Đan Mạch.

Cách thức thực hiện trong suốt 10-15 năm qua đã tạo ra một số không gian có vai trò quan trọng, mang lại không gian công cộng hấp dẫn cho nhiều nhóm người dùng khác nhau. Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội đồng nhất và quân bình sang xã hội có đặc điểm kinh tế, văn hoá đa dạng hơn. Không gian có thể giúp kết nối mọi người gần nhau hơn về cảm giác cũng như thực tế.

Về thiết kế để người dân dễ dàng tiếp cận khu vực mặt nước, ông Nielsen cho biết nhiều thành phố của Đan Mạch đã xây dựng các công viên hoặc quảng trường trung tâm mới tại các địa điểm bến cảng trước đây để kết nối lại với biển.

Cuối cùnglà cân bằng sự thống lĩnh của xe hơi trong đô thị. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng đô thị hấp dẫn và bền vững ở Đan Mạch là giải quyết vấn đề lưu thông và cơ sở hạ tầng theo hướng ưu tiên cho người đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng tại các trung tâm đô thị.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng thừa nhận, cân bằng sự thống lĩnh (về mặt không gian, tiếng ồn, ô nhiễm, hiệu ứng rào cản…) của xe hơi là một thách thức lớn.

Theo KTS Phạm Thuý Loan, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giao thông công cộng chiếm tỷ lệ quá thấp. Các dự án giao thông công cộng quy mô lớn đang chậm trễ và chưa thể khai thác; không có sự quan tâm đầy đủ, công bằng đến quyền đi lại của người đi bộ và đi xe đạp, cùng với đó là vấn nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường.

Con đường giải quyết vấn đề này theo bà Loan còn nhiều chông gai. Song bà cũng cho rằng có những việc có thể làm ngay, trong sự phối hợp đồng bộ để tạo hiệu quả cần thiết, thay vì đợi những quyết sách mang tính lớn lao của Chính phủ. 

Liên quan đến câu chuyện phát triển đô thị,ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đã liên hệ đến tình trạng của TP.HCM sau trận mưa lớn vừa qua. Từ đó, ông cho rằng đô thị Việt Nam đang phát triển không bền vững khi một cơn bão không lớn lắm, không mạnh lắm nhưng lại đủ sức làm giao thông cả một đô thị lớn tê liệt.

“Chúng ta nói lý thuyết rất nhiều, làm sao để phát triển đô thị bền vững nhưng hành động lại rất kém. Thực tế là khi đô thị hoá càng mạnh thì TP.HCM thoát nước càng kém, hạ tầng cản trở dòng chảy, khiến thành phố ngày càng ngập hơn. Hiện tượng này cũng xảy ra ở Khánh Hoà vừa rồi. Những dự án đảm bảo cho phát triển bền vững không rành mạch, rõ ràng làm cho đô thị lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng. Do đó, tôi cho là phải có một chương trình hành động thiết thực, không thể để cảnh người dân lao động quanh năm vất vả để rồi một sự kiện thiên nhiên cuốn đi tất cả”, ông Vạn nói.