Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho nông dân

PV.

(Tài chính) Công ty Dekalb Việt Nam (chi nhánh tập đoàn Monsanto) vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An khởi động chương trình “Điểm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Dekalb” năm 2014. Chương trình nhằm giúp hàng nghìn nông dân tại địa bàn được tiếp cận với các giống ngô năng suất cao, phù hợp với địa phương và các kỹ thuật canh tác ngô tiên tiến trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

“Nghệ An là địa phương tập trung nhiều trang trại chăn nuôi lớn. Nhu cầu ngô để phục vụ cho sản xuất chăn nuôi của địa phương không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp chăn nuôi tại địa bàn và giúp bà con canh tác đạt năng suất, ổn định đời sống, hàng năm địa phương đều phối hợp cùng các đơn vị, trong đó có Dekalb để tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kiến thức kỹ thuật canh tác cho bà con. Nhờ bộ giống ngô như DK6919 và DK6818 mà năng suất ngô Nghệ An đã tăng đáng kể.” Ông Phan Duy Hải, Chuyên viên phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Nghệ An chia sẻ tại hội thảo.

 Trên cánh đồng ngô bát ngát tại tỉnh Nghệ An, các chuyên gia nông nghiệp đã giới thiệu cho bà con bộ giống ngô lai năng suất cao và gói giải pháp kỹ thuật canh tác từ trồng dày đến bón phân, chăm sóc để đạt năng suất 6,5 đến 8,1 tấn trên một héc ta tùy từng mùa vụ, gấp 1,7 đến hơn 2 lần so với năng suất trung bình tại địa bàn. Đồng thời, bà con cũng đã được tham quan khu vực khảo nghiệm giống tương lai và giới thiệu quy trình tuyển chọn và khảo nghiệm giống kéo dài gần 1 thập kỷ theo tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới để chọn ra những giống ngô lai có tiềm năng năng suất tối ưu nhất.

“Năm 2013, Việt Nam bỏ ra hơn 3 tỷ đô la Mỹ nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó chủ yếu là ngô và đậu tương. Năng suất ngô bình quân Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 80,8% năng suất ngô trung bình thế giới và 42,6% so với Mỹ. Năng suất ngô tại Nghệ An lại chỉ bằng 86% năng suất ngô trung bình của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, không gì thiết thực hơn là bắt đầu từ chính mỗi nông dân, mỗi cánh đồng ngô tại từng địa phương. Khi năng suất được cải thiện, bà con sẽ có thêm thu nhập, còn đất nước sẽ giảm được gánh nặng nhập siêu vì cung ngô không đủ cầu. Đó cũng chính là mục tiêu của chương trình “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Dekalb” cũng như hàng trăm hội thảo đầu bờ, tập huấn nông dân... Monsanto tổ chức hàng năm cho hơn 150 nghìn nông dân Việt Nam, một phần trong các hoạt động thực hiện cam kết phát triển nông nghiệp bền vững trên toàn cầu của tập đoàn.” Ông Nguyễn Đình Mạnh Chiến, Tổng giám đốc công ty Dekalb Việt Nam chia sẻ.