Chuyển hóa lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu

Nguyễn Trung

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030. Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, Chính phủ đưa ra mục tiêu là chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Nghị quyết số 93/NQ-CP đưa ra mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 93/NQ-CP đưa ra mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế.

Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Nghị quyết số 93/NQ-CP đưa ra mục tiêu chung: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; Nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.

Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; Tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; Tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế...

Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu rõ giải pháp về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp…

Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách.

Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.

Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường…

Để thực thi hiệu quả các FTA, Nghị quyết đưa ra giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới, cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; Nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới, cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết;

Nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…