Có cần điều chỉnh ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hộ, cá nhân kinh doanh?
Mới đây, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Xoay quanh đề xuất này, có một số ý kiến cho rằng song song với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả cho rằng việc điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh có thể chưa cần thiết trong thời điểm này.
Pháp luật về thuế hiện hành quy định, về khai thuế, nộp thuế thì hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên thì các loại thuế, phí phải nộp gồm lệ phí môn bài, thuế GTGT, TNCN, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (nếu có).
Mặc dù quy định thu thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu (kể từ 01/01/2015), không tính các khoản giảm trừ tuy nhiên mức tỷ lệ được xây dựng đã tính toán một số khoản chi phí nên số thuế phải nộp của các hộ, cá nhân không chênh lệch nhiều so với giai đoạn trước 01/01/2015 (giai đoạn này xác định thu nhập để tính thuế sau khi được trừ GTGC).
Đối các hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng thì số thuế phải nộp cũng không lớn do tỷ lệ thuế TNCN trên doanh thu thấp (Tỷ lệ thuế TNCN trên doanh thu đối với các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau: Phân phối, cung cấp hàng hoá: 0,5%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2% (Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%); Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%; Hoạt động kinh doanh khác: 1%).
Theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, doanh thu tính thuế đối với cá nhân kinh doanh là mức doanh thu khoán được ổn định trong 01 năm và không phải quyết toán thuế. Cá nhân khai thuế khoán 1 lần/năm chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước. Cá nhân kinh doanh nộp tiền thuế khoán của quý chậm nhất là ngày cuối cùng của quý. Trường hợp qua số liệu điều tra xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu tính thuế thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu khoán, cơ quan thuế xác định lại mức doanh thu khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế.
Như vậy, hiện tại, việc điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh có thể chưa cần thiết trong thời điểm này, thay vào đó, khi rà soát tình hình thực tế của các hộ, cá nhân kinh doanh, trường hợp doanh thu tính thuế biến động so với mức doanh thu khoán đã xác định từ đầu năm thì cơ quan thuế có điều chỉnh cho phù hợp.
(*) Ý kiến đề cập trong bài viết là của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm của đơn vị tác giả công tác.