Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
2017 là năm đầu triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015, công tác giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Kho bạc Nhà nước trong công tác giải ngân đã đưa tỷ lệ giải ngân nguồn vồn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đạt tỷ lệ 70% (tính đến ngày 31/12/2017). Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều giải pháp đồng bộ.
Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015. Theo đó, việc quản lý kế hoạch vốn thực hiện kiểm soát chi, hạch toán ghi thu, ghi chi vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên cơ sở kế hoạch vốn ngoài nước được nhập vào Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) như đối với vốn trong nước theo quy định tại Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đây là một trong những giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và phản ánh đầy đủ kịp thời nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vào ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nói riêng.
Do 2017 là năm đầu triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nên đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư dự án cũng như hệ thống Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển triển khai thực hiện kế hoạch công tác này.
Kết quả bước đầu đạt được khá khả quan. Theo đó, nguồn vốn ngoài nước năm 2017 được Quốc hội phê duyệt là 60 tỷ đồng; số vốn kiểm soát xác nhận qua Kho bạc Nhà nước đến ngày 31/12/2017 là 42,05 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn năm 2017, trong đó đã hạch toán ghi thu ghi chi là 33,07 tỷ đồng, đạt 55,1% kế hoạch vốn năm 2017.
Đến hết ngày 30/03/2018, số vốn kiểm soát xác nhận qua Kho bạc Nhà nước ước đạt 56,564 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch vốn năm 2017, trong đó đã hạch toán ghi thu, ghi chi là 45,325 tỷ đồng, bằng 76,04% kế hoạch vốn năm 2017. Có được các kết quả trên là do Kho bạc Nhà nước đã kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân và đề xuất với Bộ Tài chính giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Một số khó khăn, vướng mắc
Quá trình triển khai giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, về phân bổ mã nguồn trên hệ thống TABMIS: Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống TABMIS quy định: Mã nguồn 98 - Nguồn vốn ngoài nước khác. Để quản lý nguồn vốn ODA và vồn vay ưu đãi cần có hướng dẫn chi tiết về các nguồn khác như vốn ngoài nước do cấp Trung ương quản lý, vốn ngoài nước do Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương và nguồn do địa phương vay lại.
Từ thực tế đó, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành dự thảo, trình Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4754/BTC-KBNN ngày 11/4/2017 hướng dẫn quy trình nhập và phân bổ dự toán, hạch toán kế toán ghi thu, ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, viện trợ từ nước ngoài. Công văn 4754/BTC-KBNN quy định bổ sung các mã nguồn sau thuộc nhóm Mã nguồn 50 - Nguồn vốn ngoài nước: (i) Mã nguồn 52 - Ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ ngân sách trung ương để đầu tư các chương trình, dự án; (ii) Mã nguồn 53 - Ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; (iii) Mã nguồn 54 - Ghi thu, ghi chi vốn vay ngoài nước, viện trợ của Chính phủ cho ngân sách địa phương vay lại.
Trên thực tế, dự toán hàng năm phải được phân bổ càng sớm càng tốt và chậm nhất là trước ngày 31/3 hàng năm, do vậy, Vụ Ngân sách nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đã nhập và phân bổ vốn ngoài nước vào mã nguồn 98 – Vốn ngoài nước khác. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phân bổ từ cấp 1 xuống cấp 4 cho các dự án đầu tư sử dụng vốn nước ngoài vào mã nguồn 98 (Nguồn vốn ngoài nước khác).
Do vậy, một số KBNN tỉnh, thành phố hiểu lầm, lúng túng trong việc xác định cơ chế quản lý tài chính của dự án: Dự án thực hiện kiểm soát, xác nhận theo hình thức ghi thu ghi chi (Kho bạc Nhà nước kiểm soát, xác nhận để chủ dự án giải ngân theo các hình thức rút vốn thanh toán cho đơn vị thụ hưởng thông qua ngân hàng phục vụ, hoặc trực tiếp từ nhà tài trợ), hay dự án thực hiện theo cơ chế tài chính trong nước (Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, rút dự toán chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng).
Thứ hai, việc hạch toán ghi thu, ghi chi đối với khoản chi đã được kiểm soát, xác nhận trước ngày 31/01/2018 nhưng chưa được nhà tài trợ giải ngân hoặc đã giải ngân trước ngày 31/01/2018 nhưng áp dụng hình thức kiểm soát chi sau, nên việc gửi hồ sơ kiểm soát và đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi đến Kho bạc Nhà nước phải sau thời điểm 31/01/2018 mà theo quy định tại tiết đ, Điều 16, Chương V Thông tư số 111/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính “Vốn ODA, vốn vay ưu đãi được xác nhận kiểm soát chi trong niên độ ngân sách nhà nước năm trước và rút vốn trước ngày 31/01 năm sau thì được hạch toán trong niên độ ngân sách năm trước; giải ngân trong niên độ ngân sách năm sau thì hạch toán vào năm sau”.
Đối với các khoản đã sử dụng dự toán/kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong phạm vi dự toán năm 2017 là kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, nên tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015. Theo đó, tại Điều 64, Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định, các trường hợp nêu trên không thuộc diện được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Do quy định như trên nên việc hạch toán ghi thu ghi chi đối với khoản chi đã được kiểm soát, xác nhận trước ngày 31/01/2018 nhưng chưa được nhà tài trợ giải ngân hoặc đã giải ngân trước ngày 31/01/2018 nhưng vì áp dụng hình thức kiểm soát chi sau nên việc gửi hồ sơ kiểm soát và đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi đến Kho bạc Nhà nước phải sau thời điểm 31/01/2018, vì vậy, sẽ không kịp thời hạch toán ghi thu ghi chi vào niên độ ngân sách năm 2017.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, trong thời gian đầu khi triển khai thực hiện Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính, các văn bản hướng dẫn về nhập dự toán vào Hệ thống TABMIS chưa được ban hành đồng bộ và các bộ, ngành, địa phương chưa nhập được dự toán vốn ngoài nước vào Hệ thống TABMIS, Kho bạc Nhà nước đã trình Bộ Tài chính và được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, Kho bạc Nhà nước ban hành Công văn số 657/KBNN-KSC ngày 24/02/2017 hướng dẫn Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố căn cứ vào văn bản giao dự toán của cấp có thẩm quyền để thực hiện kiểm soát xác nhận vốn ODA, đảm bảo đúng danh mục dự án và không được vượt dự toán vốn ngoài nước được giao; Khi dự toán vốn ngoài nước được các Bộ, địa phương nhập vào Hệ thống TABMIS sẽ thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi vốn ODA vào NSNN.
Thứ hai, trong thời gian kế hoạch vốn đã nhập trên Hệ thống TABMIS nhưng ở trên mã nguồn 98 – vốn ngoài nước khác, công tác hạch toán ghi thu ghi chi vốn ODA cũng chưa thực hiện được, do dự toán vốn ODA chưa được các Bộ, địa phương nhập đầy đủ vào Hệ thống TABMIS và chưa được các Vụ chức năng (theo phân công) phê duyệt, chuyển về địa phương theo đúng mã nguồn như quy định tại Công văn số 4754/BTC-KBNN.
Đối với các bộ, địa phương đã nhập, phân bổ về đơn vị dự toán cấp 4, lại nhập vào mã nguồn 98 nếu Kho bạc Nhà nước hạch toán ghi thu ghi chi theo mã nguồn này sẽ không phản ánh chính xác, khó khăn khi tổng hợp báo cáo và quyết toán theo niên độ ngân sách năm (không phản ánh đúng nguồn vốn của dự án). Do vậy, KBNN đã phối hợp với Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Đầu tư bàn thảo và thống nhất hướng dẫn việc điều chỉnh dự toán đã phân bổ ở mã nguồn 98 sang mã nguồn 52, 53, 54 và báo cáo Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4754/BTC-KBNN ngày 11/4/2017.
Trên cơ sở đó, tại Văn bản số 10702/BTC-KBNN ngày 12/8/2017 về việc hướng dẫn điều chỉnh dự toán vốn ngoài nước niên độ năm 2017 vào Hệ thống TABMIS theo Công văn số 4754/BTC-KBNN, trong đó, hướng dẫn việc điều chỉnh các dự án đã được phân bổ ở mã nguồn 98 sang các mã nguồn 52, 53 và 54 cho phù hợp với quy định. “Đối với các dự án đã được các bộ, ngành phân bổ cho các đơn vị cấp 4 trên Hệ thống TABMIS, Kho bạc Nhà nước nơi dự án mở tài khoản thực hiện điều chỉnh số dự toán cấp 4 đã được phân bổ (Tài khoản 9552 - mã nguồn 98) về tài khoản 9597- mã nguồn 52, 53, 54 tương ứng; đối với các dự án đã phân bổ vào mã nguồn 98 ở cấp 1 nhưng các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ xuống cấp 4; các bộ ngành thực hiện phân bổ từ cấp 1 mã nguồn 98 sang cấp 4 mã nguồn chi tiết vốn ODA theo mã nguồn 52; 53; 54 tương ứng”. Các hướng dẫn trên đã góp phần đảm bảo việc thực hiện kiểm soát, xác nhận và hạch toán ghi thu ghi chi được thực hiện kịp thời đúng quy định.
Thứ ba, việc hạch toán ghi thu ghi chi đối với khoản chi đã được kiểm soát, xác nhận trước ngày 31/01/2018, nhưng chưa được nhà tài trợ giải ngân hoặc đã giải ngân trước ngày 31/01/2018 nhưng vì áp dụng hình thức kiểm soát chi sau nên việc gửi hồ sơ kiểm soát và đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi đến KBNN phải sau thời điểm 31/01/2018. Để tháo gỡ vướng mắc này, Kho bạc Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Công văn số 17676/BTC-KBNN ngày 27/12/2017 hướng dẫn hạch toán ghi thu, ghi chi đối với nội dung: “Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ đến Kho bạc Nhà nước xác nhận chậm nhất là ngày 23/02/2018, thời hạn Kho bạc Nhà nước thực hiện xác nhận chậm nhất là ngày 28/02/2018, thời gian hoàn thành thủ tục hạch toán ghi thu ghi chi chậm nhất ngày 30/3/2018 và đưa vào quyết toán ngân sách năm 2017”.
Thứ tư, hàng tháng báo cáo kịp thời tình hình kiểm soát xác nhận vốn ODA và tình hình ghi thu ghi chi của các dự án ODA. Để có số liệu cho Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ đạo điều hành trong công tác hạch toán ghi thu ghi chi, Kho bạc Nhà nước ban hành Văn bản số 1474/KBNN-KSC ngày 11/4/2017 về việc báo cáo số liệu đã hạch toán ghi thu ghi chi, trong đó quy định trong khi chưa có các chương trình phần mềm hỗ trợ, đề nghị Kho bạc Nhà nước các địa phương hàng tháng báo cáo về Kho bạc Nhà nước Trung ương số liệu đã được hạch toán ghi thu ghi chi vào ngân sách nhà nước của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đến các dự án và từng nguồn vốn như vốn sự nghiệp, vốn đầu tư và vốn do địa phương vay lại.
Từ những vướng mắc phát sinh trên thực tế với tinh thần trách nhiệm, phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ, hướng dẫn để các đơn vị có cơ sở thực hiện, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nước được kiểm soát qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.