Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tác động đến doanh nghiệp khu vực miền Trung trong bối cảnh COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nhiều quy định mới quan trọng. Thông tư này giúp doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bài viết này phân tích những quy định mới cũng như đánh giá tác động của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đến doanh nghiệp tại khu vực miền Trung.
Quy định mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng (CNNH) nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư đã thay đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN; Thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như trước đây.
Việc ban hành Thông tư số 14/2021/NHNN đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong ứng phó với việc thanh toán các khoản nợ sản xuất kinh doanh, khi mà áp lực trả nợ đối với các khoản vay đã được giãn bớt; DN có cơ hội tìm kiếm thị trường, hướng đi để phù hợp với tình hình mới; bên cạnh đó, giúp DN giữ vững uy tín đối với các ngân hàng đã giao dịch từ đó có thể tiếp cận thêm được các nguồn vốn khác để tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Việc ban hành Thông tư số 14/2021/NHNN có tác động tích cực đến các DN nói chung và các DN khu vực miền Trung nói riêng, cụ thể:
Giảm bớt áp lực trả nợ
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, trong đó có các tỉnh miền Trung. Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ DN tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%)… Khó khăn lớn nhất đối với DN tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), chuỗi cung ứng (33%). Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% DN tư nhân và 22% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%.
Thông tư số 14/2021/TT-NHNN được ban hành với nhiều nội dung mới quan trọng, thể hiện sự kịp thời trong việc ban hành cơ chế, chính sách đáp ứng phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19. Qua đó cho thấy, sự chia sẻ khó khăn và đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Khi được các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm thêm lãi suất đối với các khoản nợ vay để đầu tư tài sản cố định, DN sẽ có thêm nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chỉ có khoảng 15% DN đáp ứng được các yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ", tuy nhiên dòng tiền của tất cả các DN đều bị gián đoạn. Do vậy, rất cần các ngân hàng giãn nợ thêm một năm đối với các khoản vay mua nguyên phụ liệu, qua đó giúp DN có nguồn tiền gối đầu để triển khai các phương án kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.
Doanh nghiệp dễ tiếp cận được các khoản vay mới
Việc các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay phát sinh trước ngày 01/8/2021 tạo thêm cơ hội cho DN cơ cấu lại các khoản vay. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều DN trên cả nước nói chung và DN trên địa bàn khu vực miền Trung phải dừng hoạt động, chỉ một số ít DN đáp ứng được nhu cầu sản xuất "3 tại chỗ" là còn hoạt động. Vì vậy, việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất là hết sức ý nghĩa, giúp các DN vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động, chờ cơ hội phục hồi. Nếu các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất sẽ giúp DN giảm áp lực trả nợ, lãi suất đối với các khoản vay vốn lưu động phải đáo hạn vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10.
Đề xuất, kiến nghị
Việc ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là rất kịp thời và có ý nghĩa đối với hoạt động của DN nói chung và DN trên địa bàn Khu vực miền Trung nói riêng. Theo đo,́ các NHTM tiếp tục cơ cấu lại thời hạn nợ, bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối đa để giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho các DN là hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các mốc thời gian được gia hạn thêm vẫn chưa thoả đáng. Việc chọn mốc các khoản vay phát sinh trước ngày 01/8/2021 mới được hỗ trợ là chưa hợp lý, bởi vì khó xác định được mốc thời gian nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát.
Hơn nữa, tất cả các khoản nợ phát sinh trong năm 2021 phải được cơ cấu trong năm 2022, nếu chỉ có cơ cấu đến giữa đến hết tháng 6/2022 thì chưa thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. Do đó, bên cạnh các phương án hướng dẫn cơ cấu lại nợ cho các DN, NHNN nên đưa thêm ra các gói hỗ trợ vay vốn, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
- https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ngan-hang-thuong-mai-day-manh-ho-tro-doanh-nghiep-bi-anh-huong-dich-covid19-338678.html;
- https://cafef.vn/thong-tu-14-phao-cuu-sinh-cho-doanh-nghiep-20210915144732219.chn;
- https://diendandoanhnghiep.vn/thong-tu-14-2021-nhnn-chua-nhu-ky-vong-205899.html;
- https://congluan.vn/thong-tu-14-cua-ngan-hang-nha-nuoc-chua-phu-het-doi-tuong-can-ho-tro-post155237.html;
- Thông tư số 14/2021/NHNN về việc cơ cấu thời hạn nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ;
- https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/37460/co-cau-lai-no-mien-giam-lai-cho-khach-hang-bi-anh-huong-covid-19-den-30-06-2022;
- https://cafef.vn/thong-tu-14-2021-tac-dong-toi-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-ra-sao-20210913080457091rf20210915144732219.chn, truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2021.
* ThS. Mai Thị Quỳnh Như, ThS. Ngô Thị Kiều Trang, Khoa Kế toán - Trường Đại học Duy Tân
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.