Hoàn thiện cơ chế mua sắm tập trung: “Cần thiết và cấp bách”

Theo taisancong.vn

(Tài chính) Căn cứ thực tiễn triển khai thí điểm mua sắm tập trung (MSTT) thời gian vừa qua, nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Tài chính cho rằng việc hoàn thiện cơ chế MSTT là cần thiết và cấp bách.

MSTTT góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nguồn: internet
MSTTT góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nguồn: internet
Thứ nhất, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung hiện nay.

Qua 6 năm triển khai thực hiện thí điểm, việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng, nhưng cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế trong MSTT hiện nay có nhiều nguyên nhân khác nhau, song phần nhiều là do MSTT chưa có tính chất bắt buộc áp dụng, cách thức MSTT và quy trình MSTT chưa thực sự phù hợp, Đơn vị MSTT và cán bộ làm nhiệm vụ MSTT chưa được chuyên nghiệp hóa, chủ yếu là kiêm nhiệm. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế về MSTT để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay là hết sức cần thiết.

Thứ hai, để cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý tài sản công.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ươngĐảng (khoá X) đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm công, cụ thể: “Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ươngĐảng (khóa XI) tiếp tục khẳng định: “Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập các Trung tâm mua sắm công tập trung, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)”.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua thì MSTT là cách thức tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị MSTT nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu góp phần tăng hiệu quả kinh tế. MSTT được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc MSTT.

Để thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực thi Luật Đấu thầu (sửa đổi) và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, việc quy định cụ thể về cách thức MSTT, danh mục tài sản, hàng hóa MSTT, quy trình MSTT, Đơn vị MSTT để áp dụng thống nhất là cần thiết.

Thứ ba, để góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phòng, chống lãng phí, tham nhũng.

Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai phương thức mua sắm tài sản nhà nước là mua sắm phân tán và MSTT. Trong đó mua sắm phân tán là phương thức truyền thống đang được áp dụng phổ biến. Phương thức này có nhiều hạn chế: (i) không chuyên nghiệp và chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý tài sản công; (ii) tốn kém, vì với hơn 100.000 đầu mối đơn vị đang cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm đối với cùng một hoặc số loại tài sản như nhau (ô tô, trang thiết bị phục vụ công tác, văn phòng phẩm…); (iii) chi phí mua cao hơn do mua sắm nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không được tối ưu do chưa có điều kiện để chọn lựa các nhà cung cấp tốt nhất; (iv) thiếu tính đồng bộ, hiện đại và việc đảm bảo tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; (v) khó khăn trong việc giám sát và kiểm soát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí. Mua sắm công theo phương thức tập trung khắc phục được những hạn chế trong phương thức mua sắm phân tán và là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế và thu ngân sách của nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước những năm gần đây có xu hướng giảm và tỷ trọng chi thường xuyên lại có xu hướng tăng lên. Đây là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trong chi tiêu công, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả khó khắc phục.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải có áp lực mạnh mẽ và có hành động cụ thể hơn để có thể tiết kiệm chi thường xuyên. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công, cần có các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước mà trước hết là quản lý tốt quá trình mua sắm công. MSTT là một công cụ đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế áp dụng thành công để thực hiện cắt giảm chi tiêu công.

Mục tiêu đó được hiện thực hóa thông qua việc rà soát chi tiết nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, cắt giảm các loại hàng hóa, dịch vụ không cần thiết, loại bỏ các yếu tố xa hoa, lãng phí, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng tài sản; đấu thầu mua sắm theo lô lớn với giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt nhất; đội ngũ chuyên gia mua sắm được chuyên nghiệp hóa, cắt giảm nhân sự và chi phí mua sắm ở từng cơ quan, đơn vị; các thông tin về mua sắm công được tổng hợp đầy đủ, kịp thời để cung cấp cho các cơ quan chức năng hoặc công khai theo quy định; việc kiểm tra, giám sát với số ít cơ quan mua sắm thuận lợi, hiệu quả hơn việc kiểm tra, giám sát trên diện rộng; góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với MSTT.

Việc tập trung đầu mối thực hiện mua sắm, tổ chức mua sắm với khối lượng tài sản lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần quan trọng vào việc kiểm soát mua sắm công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công.